Cán bộ, kỹ sư Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra hệ thống bảo đảm an toàn thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu thuộc sở.
Năm 2017, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng bưu chính, viễn thông của tỉnh. Đối với Viễn thông Hòa Bình có 35 tuyến cáp truyền dẫn bị nghiêng, gãy và đổ cột treo cáp, trong đó một số tuyến bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Do đó, tại ra nhiều trạm BTS bị mất truyền dẫn, gây mất thông tin liên lạc. Trạm viễn thông Piềng Vế bị sét đánh hỏng thiết bị tủ nguồn; Trạm viễn thông Co Lương do lở đất làm vùi lấp đường dây điện lưới AC. Tại khu vực thị trấn Cao Phong, sạt lở 1 bể cáp ngầm. Mạng lưới viễn thông Viettel của huyện Đà Bắc bị cô lập, cụ thể: 30/33 vị trí trạm của huyện mất dịch vụ hoàn toàn trong mưa lũ, gây đứt 21/40 tuyến cáp tại huyện Đà Bắc; đường sạt lở gây khó khăn trong công tác ứng cứu thông tin (ưCTT) chạy máy nổ và ưCTT xử lý sự cố đứt cáp. Mất dịch vụ 20/33 vị trí trạm tại huyện Mai Châu, gây đứt 9/37 tuyến cáp.
Ngoài ra, mưa lũ lớn cũng làm mất điện toàn tỉnh, công tác ưCTT khó khăn tại tất cả các huyện. Tổng số vị trí trạm mất dịch vụ trong mưa lũ là 178/342 vị trí, trên 50% toàn tỉnh, gây đứt cáp 90/428 tuyến, đặc biệt nhiều tuyến cáp đứt nhiều vị trí. Nghiêm trọng nhất là huyện Đà Bắc và huyện Mai Châu.
Đối với Mobifone Hòa Bình: 1 tuyến viba Dân Chủ 3 về Đồng Tiến bị hỏng. 2 cột điện trạm Thái Thịnh và 1 cột điện trạm Thái Bình bị gãy nên làm gián đoạn thông tin.
Do ảnh hưởng của bão lũ và diễn biến bất thường của thời tiết năm 2017 đã gây thiệt hại cho Bưu điện tỉnh khoảng 2,4 tỷ đồng. Sở TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ khẩn trương khắc phục hậu quả, bảo đảm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Hoàng Thư cho biết thêm: Dự báo tình hình thời tiết năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện tượng mưa bão đến sớm, sấm sét có thể xảy ra đột biến, gây thiệt hại cho hạ tầng bưu chính, viễn thông. Sở TT&TT đã sớm kiện toàn BCH PCTT& TKCN của ngành; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn triển khai kế hoạch, phương án PCTT&TKCN, đảm bảo thông tin liên lạc. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, lên phương án kịch bản ứng phó với thiên tai, mưa lũ theo chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành. Trong đó tập trung nâng tầng, kiên cố hoá nhà trạm, phòng máy; ngầm hoá mạng ngoại vi, vừa đảm bảo an toàn PCTT vừa đảm bảo cảnh quan đô thị. Ngành tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, mạng lưới viễn thông, đặc biệt lưu ý thực hiện bảo dưỡng định kỳ đối với các cột ăng ten cao, trạm BTS. Tăng cường năng lực mạng thông tin di động phục vụ công tác PCTT, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm về PCTT của tỉnh. Chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị thông tin liên lạc (bằng các phương thức cố định, di động, vô tuyến sóng ngắn, vệ tinh) và thiết bị dự phòng (kể cả máy nổ, xăng dầu phục vụ cấp nguồn cho các hệ thống thông tin trong trường hợp mất điện dài ngày) để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành PCTT & TKCN. Mạng sóng ngắn CODAN của Viễn thông Hòa Bình phải được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo hoạt động tốt. Tăng cường công tác đào tạo, diễn tập các tình huống khắc phục sự cố. Tổ chức nghiêm chế độ trực ban chỉ huy, trực điều hành và trực ứng cứu thông tin trong mùa mưa, bão, tránh tư tưởng chủ quan.
Đối với lĩnh vực bưu chính, tổ chức kiểm tra, rà soát các tuyến đường thư, hành trình đường thư nội tỉnh. Xây dựng các tuyến đường thư dự phòng kết hợp nhiều loại phương tiện vận chuyển phù hợp với từng địa bàn, từng tình huống cụ thể, đảm bảo an toàn thông tin trong mọi tình huống, có phương án bảo đảm an toàn cho người và thiết bị.
Đối với lĩnh vực viễn thông, hiện các đơn vị đang rà soát, tu bổ, củng cố nâng cao chất lượng mạng lưới (kể cả các thiết bị dự phòng ưCTT). Chú trọng kiểm tra việc duy tu, bảo dưỡng, gia cố các cột viba, cột BTS, nguồn điện, hệ thống bảo an, hệ thống chống sét, các đường cột treo cáp… phát hiện và sửa chữa kịp thời các hư hỏng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Tổ chức các đội xung kích thường trực tại các trạm BTS, nhất là các trạm ở khu vực trọng điểm để theo dõi, duy trì hoạt động của trạm BTS. Khi có sự cố bất thường xảy ra làm mất thông tin, bộ phận thường trực tại các trạm BTS phải tìm mọi cách để khắc phục sự cố, trong trường hợp cần thiết phải báo ngay về BCH PCTT&TKCN của đơn vị để có phương án xử lý. Trường hợp không khắc phục được ngay, phải bố trí phương tiện ứng cứu (xe thu phát sóng lưu động) kịp thời, hạn chế tới mức tối đa gián đoạn thông tin liên lạc. Ngành TT&TT cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông có kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc, nhất là tại các địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa có nguy cơ bị cô lập như các xã vùng cao của huyện Đà Bắc, Mai Châu và một số khu vực khác trong tỉnh.
Lê Chung
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay (10-6) đến đêm 11-6, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, riêng các tỉnh vùng núi phía bắc có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.