Khu tái định cư phường Thái Bình (TP Hòa Bình) đã cơ bản hoàn thành, hiện có 13 hộ dân đang xây dựng nhà ở.
Phó Chủ tịch UBND phường Chăm Mát Lê ánh Thép cho biết: Phường Chăm Mát có 22 hộ nằm trong vùng nguy cơ cao trượt sạt. Phường đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con xây dựng nhà ở tại khu TĐC. Đến nay đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các hộ, có 13 hộ đang xây dựng nhà ở. Phường thành lập tổ xung kích theo dõi sát diễn biến thời tiết cảnh báo không cho các hộ quay lại nơi cũ, những nguy cơ cao trượt sạt, bảo đảm tính mạng người dân. Mưa lũ lớn sẽ tổ chức di dời các hộ đến khu vực nhà văn hóa, kể cả cưỡng chế để bảo đảm an toàn.
Bà Đặng Thị Vân đang xây dựng nhà ở tại khu TĐC cho biết: Mùa mưa năm 2017, mưa lớn, nước trên đồi đổ xuống, đường giao thông thành suối, đồi nứt, nhà dân bị nứt ngang dọc, đất, đá trượt xuống lấp đầy lối đi. Mấy chục hộ không dám ở, phải di chuyển đến nơi ở tạm. Chính quyền phường có trách nhiệm, hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Cả tổ có mấy chục hộ. Hiện các hộ đã bốc lô, nhận đất, đào móng để xây nhà. Chẳng ai dám quay lại chỗ ở cũ vì rất nguy hiểm, nhất là những ngày đang mưa gió này.
UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai 13 khu TĐC cấp bách để bố trí TĐC cho 488 hộ vùng nguy cơ cao thiên tai. Trong đó, huyện Đà Bắc có 5 khu, bố trí 183 hộ; huyện Tân Lạc 1 khu, bố trí 46 hộ; huyện Kim Bôi 3 khu, bố trí 91 hộ; huyện Mai Châu 1 khu, bố trí 30 hộ; TP Hòa Bình 3 khu, bố trí 138 hộ. Theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố, tính đến đầu tháng 7/2018, có 11 khu TĐC đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng thiết yếu để đón dân cư ổn định cuộc sống lâu dài. Còn 2 khu TĐC chưa thi công điện, nước sinh hoạt chưa đủ điều kiện đón dân cư là khu TĐC xã Trung Minh (TP Hòa Bình) và khu TĐC xóm Ban, xã Tân Dân, huyện Mai Châu. Đến nay, huyện Đà Bắc và Tân Lạc hoàn thành di chuyển dân cư đến các khu TĐC. Huyện Kim Bôi đã di chuyển 85/91 hộ, huyện Mai Châu đang triển khai đón dân cư. TP Hòa Bình đã di chuyển được 29/138 hộ. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan sớm hoàn thành các khu TĐC kể cả về hạ tầng và thủ tục pháp lý để tổ chức di chuyển người dân về sinh sống.
Tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh có 478 điểm có nguy cơ thiên tai cao với 6.366 hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Trong số đó, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 299 điểm với 1.996 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư… Khu vực thường xuyên bị lũ ống, lũ quét có 97 điểm với 438 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư… Huyện Đà Bắc đã rà soát, cắm biển cảnh báo tại 149 điểm nguy cơ thiên tai.
Theo Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh: Hiện đang có mưa lớn trên diện rộng nhiều ngày, nguy cơ cao phát sinh lũ ống, lũ quét, trượt sạt, lở đất, đá... Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, các địa phương, các cấp, ngành nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về PCTT&TKCN. Đặc biệt là Văn bản số 789/UBND-NNTN, ngày 31/5/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về bảo đảm an toàn tuyệt đối các khu vực bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các dự án khẩn cấp di dân TĐC, dự án khẩn cấp xử lý sạt lở khu vực đồi ông Tượng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo dõi sát diễn biến thời tiết, tổ chức rà soát, thống kê cụ thể, kiểm tra cảnh báo khu vực nguy cơ xảy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, các tuyến đường đi qua ngầm tràn để chủ động triển khai phương án phòng tránh. Khẩn trương lập phương án di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm, kiên quyết không cho các hộ dân quay lại nơi ở cũ, có phương án cưỡng chế theo quy định nếu các hộ dân không chấp hành.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để các hộ dân quay lại nơi ở cũ. Đối với dự án xử lý khu vực sạt trượt phía đông đồi ông Tượng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: UBND thành phố Hòa Bình, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT trong quá trình triển khai, lập phương án cụ thể ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn cho công trình, người và phương tiện khi triển khai.
Lê Chung