Phần lớn các doanh nghiệp khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh khai thác chưa theo thiết kế cơ sở. Trong ảnh: Hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Thái Thịnh, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn.
Đồng chí Khuất Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ -TB&XH) cho biết: Nguy cơ mất an toàn do sạt lở trong khai thác mỏ vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt là các mỏ khai thác khoáng sản bằng phương pháp khai thác hầm lò có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, cụ thể là khai thác đá lộ thiên không đúng thiết kế cơ sở đã được phê duyệt, khai thác khấu suốt gây mất ATLĐ. Giám đốc, kể cả người lao động ở một số đơn vị không có trình độ chuyên môn về khai thác đá, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm (vì hầu hết trong doanh nghiệp chỉ có Giám đốc điều hành mỏ có trình độ chuyên môn về nghề khai thác mỏ). Bên cạnh đó, kỷ luật lao động của doanh nghiệp chưa nghiêm, không thường xuyên giám sát người lao động làm việc. ý thức, tác phong của người lao động trong việc chấp hành các nội quy, quy trình làm việc, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị an toàn còn hạn chế. Vì thế, các vụ tai nạn lao động trong khai thác mỏ vẫn diễn ra. Theo thống kê của Sở LĐ -TB&XH, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn lao động làm 9 người chết, 28 người bị thương. Trong đó, riêng khai thác mỏ đã có 3 vụ tai nạn lao động làm 4 người chết.
Đặc biệt, thời gian qua, các cơ quan báo chí T.ư và địa phương có nhiều tin, bài, phóng sự phản ánh về tình trạng khai thác đá mất an toàn, gây tai nạn lao động làm nhiều người chết và bị thương vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó tập trung nhiều ở huyện Lương Sơn. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành gồm các Sở: Xây dựng, TN&MT, Công Thương, LĐ-TB&XH, KH&ĐT, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh tổ chức rà soát việc tuân thủ theo thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ, an toàn và môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Tố Chinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng (Tổ trưởng tổ kiểm tra liên ngành) cho biết: Sau khi nghe tổ công tác báo cáo về kết quả rà soát, Chủ tịch UBND tỉnh đã có thông báo tạm dừng khai thác đối với 47 doanh nghiệp có vi phạm về chưa thực hiện khai thác theo thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ, mất ATLĐ và chưa đảm bảo về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp nào không hoàn thiện khắc phục các vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản. Trong 47 doanh nghiệp, ngày 22/2/2018, UBND tỉnh đã có quyết định tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty TNHH BMC Hòa Bình do không chấp hàng nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2014, năm 2015; 5 mỏ đang xây dựng cơ bản được đưa vào hoạt động theo quy định. Vừa qua, 11 doanh nghiệp đã hoàn thành việc khắc phục làm đường lên mỏ, bạt ngọn, mở tầng khai thác và chấp hành xử lý vi phạm hành chính (đã nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước) được UBND tỉnh cho phép khai thác trở lại. Hiện nay còn 30 doanh nghiệp đã chấp hành việc xử phạt hành chính, Tổ kiểm tra liên ngành đang đề xuất UBND tỉnh hướng cho các đơn vị khai thác trở lại.
Theo đồng chí Khuất Thị Thủy, để góp phần đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác mỏ trên địa bàn, trong thời gian tới, các ngành chức năng theo nhiệm vụ được phân công tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm. Đối với cấp cơ sở từ huyện đến các xã, thị trấn chủ động thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Kịp thời phát hiện các trường hợp khai thác mỏ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATLĐ, gây ô nhiễm môi trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời và báo cáo với cơ quan cấp trên để có biện pháp giải quyết. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp, ngành, các doanh nghiệp, góp phần thực hiện nghiêm hoạt động khai thác mỏ theo quy định của pháp luật.
Hương Lan