Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP tại thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) đầu tư trồng dưa kim hoàng hậu trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Israel đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các mục tiêu phát triển KH -CN được định hướng theo các nội dung: Phát triển KH -CN hướng vào thúc đẩy thực hiện kế hoạch phát triển KT -XH của tỉnh, là cơ sở cho đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất. Dựa vào KH -CN để phát triển theo chiều sâu, bền vững. Nâng cao hiệu quả và tăng cường sự đóng góp của KH -CN vào phát triển lĩnh vực mũi nhọn, khâu đột phá trong tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững… Trên cơ sở đó, các nhiệm vụ KH -CN được cụ thể hóa thành 5 mục tiêu: KH-CN phục vụ CCHC, xây dựng NTM. Lấy doanh nghiệp là đối tượng nghiên cứu, trung tâm ứng dụng các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, tăng sức cạnh tranh. Đến năm 2020, hoạt động KH -CN đóng góp khoảng 25 - 30% tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Mỗi năm thành lập từ 2 doanh nghiệp KH -CN trở lên (giai đoạn 2016 - 2020). Mức đầu tư của toàn xã hội cho KH -CN hàng năm /tổng chi ngân sách địa phương bằng mức bình quân chung cả nước, phấn đấu đến năm 2020 đạt 1,51% tổng chi ngân sách.
Các nhiệm vụ KH -CN cấp tỉnh tập trung vào những vấn đề cấp thiết, yêu cầu từ thực tiễn. Điển hình trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là đề tài "Xây dựng bộ gõ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình” được thực hiện thành công có ý nghĩa lịch sử. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ tập trung vào khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường như đề tài "ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS để xây dựng bản đồ điện tử quản lý diện tích tưới tiêu của huyện Cao Phong, Lương Sơn”. Trong lĩnh vực GD &ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân nổi bật là đề tài "Nghiên cứu thành phần hóa học, đánh giá hoạt tính sinh học của một số hợp chất chính phân lập được từ cây xạ đen”.
Trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung thực hiện mục tiêu đưa nhanh ứng dụng tiến bộ KH -CN vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với sinh thái địa phương, hướng tới phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tỉnh đã xây dựng được vùng cam Cao Phong có bộ giống chất lượng tốt, năng suất cao; phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa có lợi thế cạnh tranh như: rau su su, bưởi đỏ và bưởi da xanh Tân Lạc; quả lặc lày Lương Sơn; nhãn Sơn Thủy; bảo tồn các nguồn gen quý như hạt dổi Lạc Sơn, tỏi tía Tân Lạc và Mai Châu; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình”…
Tiềm lực KH -CN được tăng cường cả về cơ sở vật chất, con người. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã triển khai 9 dự án từ nguồn vốn đầu tư phát triển cho KH -CN với kinh phí 87, 9 tỉ đồng. Nhiều công nghọ, thiết bị hiện đại được đầu tư và làm chủ như: Hệ thống nhà lưới điều khiển tự động, nhà nuôi cấy mô, xây dựng các phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 17025: 2001…
Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH -CN cho rằng: Hoạt động đầu tư, nghiên cứu KH -CN và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chậm. Số doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH -CN rất ít. Tỉnh thiếu chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực KH -CN. Nguồn lực đầu tư cho KH -CN từ ngân sách hạn chế…
Thời gian tới, khi nền kinh tế tri thức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng tác động mạnh mẽ, đòi hỏi mỗi cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo, tích cực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH -CN để thích ứng và đi lên.
Cẩm Lệ