Hệ thống đường giao thông nông thôn xã Hợp Hòa (Lương Sơn) được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân.
Hợp Hòa là xã phấn đấu về đích NTM năm 2018. Đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa và bê tông hóa 100%; đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản được cứng hóa 2,87/3,47 km, đạt gần 83%; 100% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội khi trời mưa, cơ bản đã rải cấp phối và cứng hóa; đường trục chính nội đồng được cứng hóa và rải cấp phối đạt 60%. Từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động nguồn lực gần 2,5 tỷ đồng thực hiện tiêu chí giao thông, trong đó nguồn từ ngân sách trên 1,5 tỷ đồng; nguồn huy động từ nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, ngày công, vật liệu trị giá 941 triệu đồng.
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã; 100% đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch. Qua thống kê, huyện Lương Sơn có 702,3 km đường bộ, trong đó bê tông nhựa 5,5 km; nhựa 66 km, bê tông xi măng 310 km, cấp phối 226,1 km; còn 184,7 km đường đất. Hệ thống giao thông trên địa bàn đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện và kết nối tới trung tâm hành chính các xã. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch; 54,5/54,5 km đường huyện quản lý được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng và được bảo trì hàng năm. Qua đánh giá, có 16/19 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng NTM, chiếm 84,2%.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Tiêu chí giao thông có thể coi là tiêu chí "xương sống”, tạo tiền đề phát triển KT - XH và để triển khai, hoàn thành các tiêu chí khác. Sự đồng thuận của người dân trong phong trào làm đường giao thông thời gian qua là điều kiện và cơ hội thuận lợi để huyện đạt những kết quả tích cực.
Những năm qua, huyện Lương Sơn đã chỉ đạo các cấp, các ngành tranh thủ kinh phí đầu tư xây dựng của Nhà nước, kết hợp với huy động sức dân, đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, cơ bản đã giải quyết việc giao thương của nhân dân, góp phần phát triển KT - XH của huyện. Với phương châm "Nhân dân làm và quản lý là chính, Nhà nước có sự hỗ trợ” đã "khai thông” khó khăn về kinh phí trong quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương. Nhờ chính sách này đã huy động được tiềm năng trong nhân dân thông qua việc tự nguyện đóng góp, tạo nên phong trào nhân dân cùng xây dựng, cùng làm đường giao thông nông thôn.
Không chỉ vậy, qua chính sách này, việc xây dựng đường giao thông nông thôn đã được xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, nguồn vốn của các tổ chức, cơ quan, cá nhân để thực hiện. Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện Lương Sơn những năm qua đã làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi thông thương hàng hóa. Sản xuất nông, lâm nghiệp thuận tiện tiêu thụ, tìm kiếm thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm dần hộ nghèo, tạo đà cho phát triển KT - XH, giữ vững AN-QP của địa phương.
Đinh Thắng