Tiêu hủy đàn gà bị bệnh của gia đình ông Nguyễn Văn Lui (thôn 3, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Việt Hoa
* Thời tiết diễn biến bất thường khiến cho dịch bệnh trên vật nuôi có nguy cơ bùng phát mạnh. Ðể hạn chế thiệt hại đối với ngành chăn nuôi, nhất là trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán khi nhu cầu thực phẩm tăng cao, các địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tại Yên Bái, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn lợn tại hai huyện Văn Yên và Trấn Yên, khiến 179 con bị mắc bệnh. Tỉnh đã cấp hơn 7.600 liều vắc-xin LMLM và hơn 260 lít thuốc sát trùng để khống chế, khoanh vùng dập dịch.
Ngày 8-1, Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ ngày 23-12-2018 đến nay, dịch bệnh LMLM đã xảy ra trên đàn lợn tại năm huyện Bình Gia, Chi Lăng, Văn Quan, Bắc Sơn và Hữu Lũng. Tất cả đàn lợn nhiễm bệnh đều đã bị tiêu hủy hoàn toàn theo quy định. Những hộ dân có lợn bị tiêu hủy được tỉnh hỗ trợ 35 nghìn đồng/kg hơi; Chi cục đã cung ứng cho các địa phương xảy ra dịch gần 20 nghìn liều vắc-xin và hơn 1.000 lít thuốc sát trùng.
* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Ðiện Biên vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM trên gia súc. Theo đó, các hộ chăn nuôi số lượng lớn cần chủ động mua vắc-xin LMLM tiêm cho đàn lợn theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Ðối với người dân khi phát hiện gia súc mắc bệnh phải báo cho thú y cơ sở, chính quyền địa phương để hướng dẫn xử lý kịp thời.
* Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình về tình hình dịch bệnh LMLM tại xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, kể từ ngày 30-12-2018 đến nay, tại xã Thanh Tân không phát sinh gia súc ốm có biểu hiện của bệnh LMLM. Hiện Chi cục vẫn tiếp tục phân công cán bộ kỹ thuật xuống địa phương hỗ trợ, hướng dẫn và giám sát công tác phòng, chống dịch tại cơ sở.
* Sở NN và PTNT tỉnh Hưng Yên đang phối hợp các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán giết mổ lợn. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun sát trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần một lần; nơi có nguy cơ cao phát dịch tổ chức phun hóa chất khử trùng từ một đến hai lần/tuần, không để phát sinh mầm bệnh, bảo đảm an toàn cho các vùng chăn nuôi.
* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ đã cấp 672 lít hóa chất khử trùng cho các địa phương: Phù Ninh, Thanh Ba, Ðoan Hùng, Hạ Hòa và TP Việt Trì để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chống dịch. Chi cục phối hợp các địa phương cử cán bộ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch.
* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, ngày 7-1, đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà 3.000 con của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lui (thôn 3, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà). Toàn bộ số gà bị nhiễm dịch cúm trên được ông Lui mới nhập về và chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh. Lực lượng chức năng huyện đã xử lý tiêu hủy, bao vây ổ dịch theo quy định.
* Ngày 8-1, Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận được 220 con lợn mắc bệnh LMLM. Cụ thể: tại huyện Vĩnh Linh có 184 con; huyện Hải Lăng có 16 con; thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh có 20 con. Toàn bộ số lợn bị bệnh đã được lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy; ngành thú y tỉnh dùng 4.000 liều vắc-xin LMLM để tiêm phòng cho đàn lợn còn lại.
* Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, đến nay đã phát hiện và đã tiêu hủy gần 1.200 con lợn bị nhiễm bệnh LMLM. Hiện, tỉnh đang tổ chức ra quân tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và phấn đấu hoàn thành mục tiêu khống chế thành công dịch trước ngày 15-1.
* Sáng 8-1, Sở NN và PTNT tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 với mục tiêu nâng giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt hơn 7.995 tỷ đồng. Ðể đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện các mô hình liên kết có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
* Sở NN và PTNT thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2019, ngành nông nghiệp thành phố tập trung chuyển đổi các diện tích, cây con hiệu quả thấp sang phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, con chất lượng và năng suất cao, từng bước xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.