Được sự hỗ trợ của đơn vị chức năng Sở NN&PTNT, người dân xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc đầu tư nuôi cá trên vùng hồ sông Đà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện có hàng nghìn hộ dân trong vùng cuộc sống hàng ngày phụ thuộc vào hồ Hòa Bình. Vì vậy, công tác tái tạo, nuôi dưỡng, bổ sung nguồn lợi thủy sản là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hàng năm, Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; tuyên truyền bảo vệ bãi cá đẻ, cá giống trong mùa sinh sản; tổ chức kiểm tra bãi cá đẻ để đánh giá trữ lượng, nguồn lợi thủy sản. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, giới thiệu Luật Thủy sản; xây dựng nội dung tờ rơi, áp phích tuyên truyền về Luật Thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản phát cho nông, ngư dân có tham gia hoạt động thủy sản.
Nhiều năm qua, việc thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản của tỉnh đã được quan tâm duy trì thực hiện. Trong 5 năm (2014 - 2018), tỉnh đã thả cá bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên vùng hồ sông Đà được gần 156.200 con cá giống các loại. Trong đó, riêng năm 2018, Chi cục Thủy sản phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức lễ phát động và thả cá phóng sinh tại khu vực vùng hồ thuộc xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình) với số lượng trên 60.200 con cá giống các loại, gồm 11.612 con cá đặc sản là lăng, bỗng, trắm đen, chạch trấu, chày mắt đỏ; 48.600 con cá truyền thống là mè, trắm cỏ, chép, trôi. Cá giống được sản xuất theo quy trình kỹ thuật, khỏe mạnh, đồng đều, đúng kích cỡ và thả đúng phương pháp nên tỷ lệ sống khi thả rất cao. Đây đều là những loại cá giống phù hợp với môi trường hồ Hòa Bình và không ảnh hưởng đến các loài khác.
Cùng với thả cá phóng sinh, Chi cục Thủy sản đã lồng ghép tuyên truyền tới người dân trong khu vực, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ đa dạng sinh học thủy vực và tạo sinh kế ổn định cho người dân bằng việc không đánh bắt thủy sản trong thời gian tối thiểu 5 ngày sau khi thả cá giống.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Để Luật Thủy sản đi vào cuộc sống, những năm qua, việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản thường xuyên được các cấp, ngành quan tâm phối hợp chỉ đạo. Sở NN&PTNT đã chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh), Phòng NN&PTNT các huyện cũng như UBND các xã vùng hồ sông Đà tổ chức tuyên truyền, tập huấn, giới thiệu Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản... Đồng thời, thực hiện các hình thức tuyên truyền như phát tờ rơi, tài liệu, áp phích, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ xã, phường và nông ngư trong tỉnh. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản đã ký kết quy chế phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trong lĩnh vực thủy sản trên đường thủy nội địa; ký kết kế hoạch với Giáo hội Phật giáo tỉnh trong công tác phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác này.
Trong năm 2019, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, chùa Hòa Bình Phật Quang và Tổng cục Thủy sản tổ chức thả cá bổ sung, phục hồi nguồn lợi thủy sản hồ Hòa Bình. Dự kiến hoạt động này sẽ được diễn ra vào rằm tháng bảy với khoảng 50.000 - 60.000 con cá giống được thả phóng sinh.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng, hiện nay, người dân vùng hồ sông Đà đã nâng cao nhận thức, thấy được vai trò, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khai thác hợp lý. Bà con hạn chế sử dụng xung điện, kích điện, đặt vó đèn, nhờ vậy, trữ lượng nguồn lợi trên hồ được đánh giá còn khá phong phú, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội cho bộ phận dân cư sinh sống quanh hồ.
Bình Giang