Tính đến chiều 5-6, cả nước có 54 tỉnh, thành phố xảy ra dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn hai tỉnh Long An và Bến Tre là chưa xảy ra dịch.
Nông dân Thanh Hóa chăm sóc, theo dõi đàn lợn nuôi trong chuồng trại.
Huyện Thường Xuân, Thanh Hóa hết dịch tả lợn châu Phi
Chiều 5-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết, toàn bộ 13 xã huyện Thường Xuân hiện đã hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Dù vậy, có tám xã tái phát DTLCP và trên địa bàn tỉnh còn 782 thôn, 242 xã của 25 huyện đang còn DTLCP chưa qua 30 ngày.
Trong ngày, lực lượng phòng chống dịch đã tiêu hủy 1.345 con lợn mắc bệnh DTLCP của 193 hộ chăn nuôi ở 130 thôn, 71 xã, thuộc 15 huyện. Lũy kế đến thời điểm này, DTLCP đã xảy ra tại 2.980 hộ chăn nuôi, ở 799 thôn, 255 xã của 26 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa. Lực lượng phòng chống dịch đã tiêu hủy 25.453 con lợn, tổng trọng lượng 1,6 triệu kg. Dịch bệnh lây lan nhanh, diện rộng ở một số địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại không nhỏ cho hộ chăn nuôi như ở huyện Quảng Xương, DTLCP xảy ra tại 489 hộ thuộc 112 thôn của 27 xã, buộc phải tiêu hủy 4.778 con lợn, tổng trọng lượng 322.455,9kg. Tại huyện Triệu Sơn, dịch bệnh đã xảy ra ở 1.147 hộ chăn nuôi ở 153 thôn, 23 xã, đã tiêu hủy 5.538 con lợn. Dịch bệnh còn tái phát ở các xã Thiệu Phúc, Thiệu Tiến, Thiệu Vũ, Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa; Định Bình, Định Liên, huyện Yên Định; ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn và xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa.
Tình hình DTLCP còn diễn biến phức tạp và UBND tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 các cấp tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn. Được biết, ngoài bảy trạm, chốt kiểm dịch động vật cấp tỉnh, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa thành lập 587 chốt, 35 tổ kiểm soát lưu động thực hiện tuần tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện, tỉnh nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh động vật, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh thú y.
Long An tập trung phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Trước tình hình khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn hai tỉnh Long An và Bến Tre, tỉnh Long An đang tập trung các giải pháp phòng chống DTLCP.
Qua thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, tính từ ngày các tỉnh khu vực phía nam xảy ra dịch tả lợn châu Phi đến chiều 6-6, các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh Long An đã kiểm tra hơn 1.400 lượt xe vận chuyển lợn qua các chốt kiểm dịch động vật với tổng số lượng là 130 nghìn con lợn thương phẩm. Số lợn này được vận chuyển từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền trung, trong đó có khoảng 40% số lượng được vận chuyển lợn về các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh Long An, số còn lại chuyển về các tỉnh và các tỉnh miền tây.
Chuyên viên Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Long An), ông Ngô Văn Chương cho biết: tại huyện Châu Thành, địa phương giáp ranh tỉnh Tiền Giang, đang xảy ra DTLCP. Trước tình hình trên, huyện đã thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát lợn từ khu vực Tiền Giang vận chuyển sang Long An giết mổ tiêu thụ. Mỗi chốt kiểm dịch có chín cán bộ trực 24/24 giờ. Trong những ngày tới, huyện sẽ tiếp tục lập thêm các chốt kiểm dịch trên các tuyến đường liên thông với tỉnh Tiền Giang để kiểm soát chặt việc các xe vận chuyển lợn thịt và lợn giống từ Tiền Giang chuyển sang.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản Long An - Dương Minh Phí cho biết thêm, đến thời điểm này, các huyện giáp ranh với các tỉnh có dịch đã bố trí các chốt trực và việc kiểm soát lượng lợn cũng như sản phẩm từ lợn được kiểm soát tốt. Hiện tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đã công bố dịch, Long An tiếp tục thành lập các chốt kiểm dịch ở huyện Tân Hưng, Kiến Tường, Tân Thạnh và Châu Thành. Sắp tới, ngành nông nghiệp thành lập thêm các chốt chặn trên một số tuyến đường chính và những tuyến đường liên xã, liên huyện có giáp ranh với các tỉnh đã công bố dịch.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, Tiền Giang, tỉnh giáp ranh với Long An, là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, con đường vận chuyển tiêu thụ đều phải đi qua địa bàn tỉnh Long An, nguy cơ lây lan dịch bệnh sang Long An là rất lớn. Trước sự nguy cấp trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đang tập trung mọi nguồn nhân lực và thành lập 18 chốt kiểm soát lưu động trên tất cả các tuyến lưu thông giáp ranh Tiền Giang và Đồng Tháp, đồng thời tăng cường lực lượng thú y tại các chốt kiểm dịch để kiểm tra lâm sàng khi phát hiện lợn có dấu hiện bị bệnh, chết; tuyệt đối không để lợn và các sản phẩm từ lợn không có giấy tờ kiểm dịch qua, nhập vào địa bàn tỉnh Long An. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên nôn nóng tái đàn trong thời điểm hiện tại và hạn chế mua lợn giống từ những tỉnh khác nhập vào địa bàn, nhất là từ những tỉnh đã xuất hiện DTLCP.
TheoNhanDan