(HBĐT) - Với quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân trong tỉnh, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh có 85/191 xã đạt chuẩn NTM, TP Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Lương Sơn đạt chuẩn NTM, vượt kế hoạch đề ra.


Nông dân xã Đông Lai (Tân Lạc) phát triển diện tích bưởi đỏ nhằm nâng cao thu nhập. 

Từ xuất phát điểm thấp

Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điểm xuất phát ở khu vực nông thôn so với Bộ tiêu chí quá thấp. Số tiêu chí bình quân tại thời điểm đánh giá đạt 4,4 tiêu chí/xã, các tiêu chí chưa đạt được là những tiêu chí khó như: giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá, y tế, hộ nghèo… Đồng thời, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, giá trị hàng hoá chưa cao, chưa hình thành được vùng sản xuất, thu nhập bình quân khu vực nông thôn mới đạt 8,3 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,51%.

Thiếu nguồn lực xây dựng NTM, bình quân nhu cầu mỗi xã cần khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng đạt chuẩn xã NTM, trong khi đó, đối với tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn lực của Trung ương phân bổ hàng năm. Ngoài ra, nhận thức của cán bộ, người dân về xây dựng NTM, các cấp, ngành (đặc biệt là cấp xã) vẫn coi chương trình xây dựng NTM như những dự án đầu tư nên còn tư tưởng có kinh phí mới triển khai thực hiện; trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước…

Điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún, chủ yếu là sản xuất các loại cây lương thực như lúa, ngô, sắn; khả năng đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, dẫn đến khó thực hiện nhóm tiêu chí về kinh tế và phát triển sản xuất. Hệ thống hạ tầng cơ sở vùng nông thôn còn thiếu, không đồng bộ…

10 năm - khởi sắc một chặng đường

Được sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, huyện và cấp xã đều xác định mục tiêu xây dựng NTM là căn bản, phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, nông dân giữ vai trò chủ thể, cùng với sự chung tay phấn đấu của cộng đồng, nhân dân về xây dựng NTM. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện trên 2.100 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu nông thôn được đầu tư xây dựng theo quy hoạch ngày càng khang trang, hiện đại. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình NTM trong 10 năm khoảng 21.216 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ trực tiếp cho chương trình chiếm khoảng 6,3%, còn lại là nguồn vốn huy động trong nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác. Từ các nguồn lực đó, tỉnh đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới, cứng hóa được trên 4.000 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa gần 800 km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất; trên 500 công trình trường học; trên 700 công trình cơ sở vật chất văn hóa; gần 80 công trình chợ nông thôn, 80 công trình trạm y tế xã... Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố vững chắc. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Sau 10 năm, toàn tỉnh có 88/191 xã đạt chuẩn NTM. Bình quân tiêu chí NTM các xã đạt trên 15,1 tiêu chí/xã; tăng bình quân trên 10,6 tiêu chí/xã so với năm 2011; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Thành phố Hoà Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Lương Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM. Đời sống vật chất, tinh thần nông dân nhìn chung được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt 32 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực nông thôn giảm còn khoảng 14,28%. Hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao. 

Hơn hết là nhận thức người dân đã thay đổi rõ rệt. Có thể khẳng định, đến nay, người dân đã nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm trong xây dựng NTM. Qua đó chủ động, tích cực tham gia dưới nhiều hình thức, góp phần vào thành công trong xây dựng NTM, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới, các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững của chương trình; tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đảm bảo theo mục tiêu đề ra về xây dựng xã NTM, huyện NTM, xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM kiểu mẫu, khu dân cư NTM kiễu mẫu. Đặc biệt, xác định các lĩnh vực trọng tâm còn tồn tại, hạn chế của khu vực nông thôn để tập trung xây dựng các chương trình đầu tư hỗ trợ như về lĩnh vực nâng cao thu nhập người dân, môi trường nông thôn và an ninh nông thôn. Cùng với đó có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đầu tư thực hiện phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM, lồng ghép nguồn vốn trong xây dựng NTM; tăng cường các giải pháp nhằm huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng NTM. Tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng NTM để huy động các nguồn lực và người dân tham gia thực hiện chương trình. Tập trung giải pháp, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM tại từng địa bàn. Tăng cường học tập kinh nghiệm để nghiên cứu bổ sung, vận dụng những cách làm hay, hiệu quả của các địa phương.


Đinh Thắng

Các tin khác


Kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tỉnh triển khai tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, đồng thời đưa thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; góp phần thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, các sản phẩm có lợi thế của địa phương.

Ban hành Nghị định về khung giá đất giai đoạn 2020 - 2024

(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP về khung giá đất đối với từng loại đất, theo từng vùng được quy định tại Điều 113, Luật Đất đai. Theo đó, khung giá đất vẫn giữ nguyên, gồm 2 nhóm đất:

Năm 2020 với 5G, điện thoại gập, xe tự hành

Đài phát thanh Canada đã bình chọn năm xu hướng công nghệ dần dần trở thành một phần cuộc sống con người trong năm 2020. Dự kiến các công nghệ này sẽ dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng trong vài năm nữa.

Phát triển kinh tế từ chăn nuôi và trồng trọt

(HBĐT) - Những năm gần đây, thực hiện phong trào "Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, Hội Phụ nữ xã Đông Lai (Tân Lạc) đã có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ hội viên cùng phát triển. Từ phong trào, nhiều tấm gương hội viên phụ nữ phát huy đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực học tập, lao động sản xuất, vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình. Chị Bùi Thị Vân, hội viên Chi hội phụ nữ xóm Ổ Gà, xã Đông Lai với mô hình chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định là một trong những gương tiêu biểu.

Ra mắt Appnews - nền tảng ứng dụng cho báo và tạp chí điện tử

(HBĐT) - Cục trưởng Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, nền tảng Appnews Việt Nam ra đời sẽ hỗ trợ tăng nguồn thu, tăng lượng bạn đọc cho các cơ quan báo chí, đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi số.

Đẩy mạnh việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục

(HBĐT) - Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 241 về việc phê duyệt "Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chính sách an sinh xã hội”. Ngày 31/8/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7846/VPCP-KTTH về việc "các giao dịch cần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục”. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh là một trong những địa phương tích cực triển khai các nội dung đảm bảo kế hoạch, tiến độ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục