Năm 2019, mô hình trồng keo giúp gia đình anh Bùi Văn Phởi ở xóm Thượng, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) thu về 80 triệu đồng lợi nhuận sau khi trừ chi phí.
Xã bắt đầu phát triển kinh tế đồi rừng từ năm 2004. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã 2.916,62 ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp 2.594,14 ha, riêng đất rừng sản xuất chiếm đến 2.211,54 ha. Diện tích đất nông nghiệp chỉ đạt 98,10 ha. Vì vậy, nhiều hộ dân đã tập trung phát triển kinh tế đồi rừng để nâng cao thu nhập,chủ yếu là trồng keo. Qua khảo sát, mỗi ha keo sau chu kỳ trồng từ 5 - 6 năm có thể cho thu về từ 120 - 150 triệu đồng.
Đi dọc theo các tuyến đường bê tông trên địa bàn xã rất dễ bắt gặp những chiếc xe tải chở đầy keo vận chuyển tới nơi tiêu thụ. Trò chuyện với anh Bùi Văn Phởi ở xóm Thượng, người đã có nhiều năm trồng keo anh cho biết: "Gia đình tôi trồng keo đã được 10 năm, diện tích mở rộng lên 10 ha với phương pháp trồng gối lứa. Theo giá thị trường, mỗi ha keo đến kỳ thu hoạch có thể thu về 80 tấn, trung bình mỗi tấn thu về 1 triệu đồng. Năm 2019, tổng thu nhập từ keo của gia đình ước đạt 160 triệu đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 80 triệu đồng”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các hộ trồng keo hiện nay là các trục đường dẫn vào khu sản xuất chưa được đầu tư xây dựng. Do đó giá trị kinh tế của sản phẩm không cao do phát sinh chi phí vận chuyển. Ngoài ra, việc các hộ dân áp dụng KHKT vào quá trình trồng, chăm sóc còn hạn chế.
Xác định những khó khăn đối với việc phát triển kinh tế đồi rừng, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT về phát triển lâm nghiệp. Tích cực tuyên truyền nhân dân các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng. Năm 2019, toàn xã trồng được 246 ha, trong đó có 27 ha diện tích trồng mới, tăng 51,4 ha so với năm 2018. Bên cạnh đó khuyến khích các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi phát triển kinh tế dịch vụ vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Đến nay, toàn xã có trên 20 đầu xe tải có thể vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm giá thành mỗi chuyến xe hàng còn 1,3 triệu đồng, trong khi những năm trước đây thường có giá từ 1,5 - 1,7 triệu đồng.
Đồng chí Bùi Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 17,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 30,5% (giảm 9,64% so với cùng kỳ năm trước). Trước những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các mô hình kinh tế, trong đó xác định phát triển lâm nghiệm là mô hình mũi nhọn. Xã mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất. Huy động các nguồn lực để đầu tư, mở rộng các trục đường giao thông dẫn vào khu sản xuất. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến lâm sản để có giá thành ổn định. Qua đó từng bước cải thiện thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Đức Anh