Một điểm sạt lở chia cắt đường giao thông về Đá Bạc, Cà Mau.
Quá nhiều thiệt hại
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin: "Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 18.000ha các trà lúa bị thiệt hại, hơn 42.800ha (trong đó cấp II là 8.160,4ha; cấp III là 11.450,6ha; cấp IV là 11.156,3ha; cấp V là 12.101,5ha). Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước nước sinh hoạt”. Mùa hạn năm nay đang diễn biến hết sức phức tạp. Đã có hơn 1.000 điểm sụt lún và gần 200m đê biển Tây bị hư hỏng nặng.
Các tuyến đường cấp tỉnh đã sụt lún 5 điểm trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc; đối với lộ giao thông nông thôn đã có 907 vị trí sụp lún với tổng chiều dài hơn 21.600m. Theo ông Sử, tình hình hạn mặn tại Cà Mau đã thiệt hại rất lớn. Đây là điều bất thường, bởi hiện tượng sụp lở đất chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa (phải tập trung tiêu) và thiếu nước trong mùa khô. Trong khi biến đổi khí hậu thường xuyên gây ra các hiện tượng cực đoan; nếu tình trạng hạn hán kéo dài xảy ra thường xuyên thì việc thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, phòng cháy chữa cháy rừng, gây hư hỏng cho các tuyến đường giao thông trong vùng ngọt hóa và nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng rất cao, tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự báo mùa khô năm 2020 có thể kéo dài đến tháng 5 thậm chí tháng 6. Trong khi hiện nay tình hình sụt lún, sạt lở đã xảy ra nghiêm trọng; địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhưng chưa có hiệu quả; nếu kéo dài đến hết mùa khô, thiệt hại sẽ rất lớn; vì vậy, trong khi chờ đợi nghiên cứu thực hiện biện pháp căn cơ, lâu dài, trước mắt đòi hỏi phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời để giảm thiểu thiệt hại.
Nước ngọt - bài toán khó
Trước tình trạng sạt lở bất thường, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đề xuất là đưa vào hệ thống sông rạch một lượng nước mặn cần thiết để tạo phản áp lên bờ kênh, khắc phục sụt lún, sạt lở. Thực tiễn hệ thống kênh trong ô thuỷ lợi xã Khánh Hải đã có một lượng nước mặn vào kênh (do sự cố xói đáy cống Trùm Thuật Nam xã Khánh Hải, nay đã đắp đập tạm thay cống), hiện tượng sụt lún, sạt lở không xảy ra như các khu vực khác.
Trong khi đó, chuyện nước ngọt cho dân sinh hoạt là bài toán khó. Dù có nhiều cố gắng cũng giải quyết được khoảng 12% hộ dân vùng nông thôn, còn trên 180.000 hộ phải sử dụng nước ngầm, nhỏ lẻ hộ gia đình; một số vùng không khai thác được, nhiễm mặn... "Khai thác nước ngầm thì ảnh hưởng đến tình trạng sụt lún, nguồn nước ô nhiễm, Cà Mau đang thật sự khó khăn, chưa tìm được lời giải đáp”, ông Sử nhìn nhận.
Các nhà khoa học đề xuất nghiên cứu xây dựng hệ thống kênh trục, cấp nước ngọt theo hình thức cưỡng bức (bơm) từ sông Hậu về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các tỉnh ven biển vùng Bán đảo Cà Mau, hoặc nghiên cứu xây dựng hệ thống hồ chứa quy mô lớn ở vùng ngọt (U Minh); xây dựng, khôi phục lại hệ thống ao, hồ theo cụm, tuyến dân cư "giếng làng” để trữ nước mưa...