(HBĐT) - Thủy lợi là tiêu chí thứ 3 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, đây là tiêu chí quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhưng cũng khó thực hiện bởi yêu cầu kinh phí lớn. Trong những năm qua, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huyện Lương Sơn quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, dân sinh và phòng, chống thiên tai.
Trên địa bàn huyện có 3 con sông lớn, 6 km đê bao chống úng thuộc địa bàn xã Thanh Cao, trên đê có 3 trạm bơm tiêu (các trạm bơm: Gò Mu, Xuân Him, Xuân Dương) chống úng cho khoảng 110,1 ha lúa, 414,9 ha khu vực nông thôn xã Thanh Cao.
Theo thống kê, toàn huyện có 138 công trình thủy lợi, trong đó có 21 hồ chứa, 105 đập dâng (bai) kiên cố, 2 đập thủy luân; tổng diện tích tưới trên địa bàn huyện 4.736,01 ha lúa và hoa màu; cấp nước nuôi trồng thủy sản 7,3 ha. Có 83 công trình thủy lợi UBND huyện quản lý, gồm: 10 hồ chứa, tưới cho 235,4 ha lúa và hoa màu; 72 đập kiên cố, tưới cho 1.740,1 ha lúa và hoa màu; 1 đập thủy luân tưới cho 14 lúa và hoa màu. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình chi nhánh huyện Lương Sơn quản lý 55 công trình, gồm: 11 hồ chứa, tưới cho 1.058,47 ha lúa và hoa màu, cung cấp nước nuôi trồng thủy sản 7,3 ha; 33 đập dâng kiến cố, tưới cho 1.668,04 ha lúa và hoa màu; 1 đập thủy luân, tưới cho 20 ha lúa...
Hệ thống kênh mương trên địa bàn huyện dài khoảng 341,82 km, trong đó có 208,46 km đã được cứng hóa, đạt 61%, đều là kênh mương cấp IV, chủ yếu tưới trọng lực và động lực. Hàng năm, các xã thực hiện nghiêm túc 2 đợt chiến dịch làm thủy lợi kết hợp với giao thông (tháng 4 và tháng 11) theo chỉ đạo của UBND huyện như: nạo vét kênh mương, đắp đất hai bên mương để bảo vệ; dọn dẹp cây bụi trên thân đập, đê chống lũ (xã Thanh Cao); duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi nội đồng (kênh mương, bai, đập…). Hệ thống kênh mương cơ bản đảm bảo dòng chảy thông thoáng, không bị xả rác thải, rơm rạ xuống lòng kênh, đáp ứng tốt công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện.
10 năm qua (2010-2019), thực hiện chương trình xây dựng NTM, các xã đã cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa, nạo vét kênh mương, xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp bờ bao, cống, trạm bơm phục vụ tưới tiêu. Tổng nguồn lực huy động từ các chương trình, dự án và nhân dân đóng góp đạt 290,394 tỷ đồng để thực hiện tiêu chí số 3 về thủy lợi, riêng nguồn vốn trực tiếp từ chương trình NTM 88,315 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn, toàn huyện đã đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp 70 công trình, 100 km kênh mương. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động từ công trình thủy lợi là 3.469,95/4.853,4 ha, chiếm 72%.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, 100% xã đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai của xã và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; luôn sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ” và quy định của Luật Phòng, chống thiên tai.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Công tác quản lý, khai thác, vận hành hệ thống thủy lợi trên địa bàn có hiệu quả, bền vững, đảm bảo theo phương án phòng, chống thiên tai và bảo vệ công trình thủy lợi được UBND huyện phê duyệt hàng năm, phục vụ tốt cho sản xuất và dân sinh. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện rà soát các công trình thủy lợi, kênh mương trọng điểm cần đầu tư xây dựng để đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Đồng thời có phương án, kế hoạch ưu tiên nguồn lực huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng những công trình trọng điểm, có tính cấp bách trước, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con.
Đinh Thắng