(HBĐT) - Công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có nguồn gốc từ các nông, lâm trường (NLT) có nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận (GCN) đạt thấp. UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất (SDĐ) có nguồn gốc từ NLT, nâng cao hiệu quả quản lý, SDĐ.
Qua rà soát theo Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, ngày 22/9/2004 của Chính phủ, trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích trên 28.898 ha do các công ty nông, lâm nghiệp (NLN) quản lý (Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý 22.776,91 ha, 6 công ty nông nghiệp quản lý 6.121,19 ha). UBND tỉnh đã quyết định cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ cho các công ty NLN quản lý với diện tích 13.200,26 ha (Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình 9.774,74 ha, 6 công ty nông nghiệp 3.425,52 ha). UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 13.568,76 ha đất do các NLT quản lý, để giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng theo kế hoạch SDĐ. Diện tích còn lại 2.129,08 ha, gồm 1.201,5 ha không thực hiện thu hồi do đã cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; 1.008,93 ha đang tiếp tục rà soát.
Thưc hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, SDĐ có nguồn gốc từ NLT. Qua rà soát, các công ty NLN tiếp tục sử dụng là 12.103,45 ha (Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình 8.349,5 ha, các công ty nông nghiệp 3.753,72 ha). Đã có 5/6 công ty NLN lập và trình phương án SDĐ với 8.739,08 ha. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương án SDĐ công ty NLN, UBND các huyện, thành phố đã triển khai lập kế hoạch cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật. Đến nay, đã có 232,89 ha đất đã cấp GCN cho các hộ gia đình, gồm: huyện Tân Lạc 155,25 ha, huyện Lạc Thủy 76,63 ha, huyện Kim Bôi 0,01 ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải cho biết: Quỹ đất các NLT trả cho địa phương lớn, nhưng manh mún, không tập trung, gồm cả đất ở và đất sản xuất nông nghiệp. Còn hiện tượng lấn chiếm, tranh chấp SDĐ. Việc xác định nguồn gốc đất liên quan đến chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho rất khó khăn. Tỷ lệ cấp GCN phần diện tích đất do các NLT trả ra ở địa phương thấp. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động cùa các công ty nông nghiệp thấp, các định hướng sản xuất kinh doanh chưa rõ nét.
Theo báo cáo của ngành chức năng và các địa phương: Công tác quản lý, SDĐ tại các công ty NLN có nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là công tác thu hồi đất để bàn giao cho nhà đầu tư. Hầu hết diện tích đất NLT trả về cho địa phương quản lý là những phần đất, khu vực ở địa bàn khó khăn, diện tích phân tán ở nhiều khu vực, địa bàn. Toàn bộ quỹ đất đều đã có chủ sử dụng, nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng với diện tích lớn đã xây dựng nhà ở, công trình vượt quá hạn mức tại địa phương, nên việc cấp GCN gặp khó khăn. Các hộ dân sử dụng đất nông nghiệp đan xen với đất ở, để cấp GCN cần bóc tách diện tích đất ở, đất nông nghiệp theo phương án SDĐ, phải kiểm tra, rà soát, xác định chi tiết hiện trạng SDĐ. Tỷ lệ cấp GCNQSDĐ thấp do quá trình triển khai đã phát sinh những tồn tại, vướng mắc trong việc xét cấp GCN, thu tiền SDĐ. Theo quy định, để cấp GCNQSDĐ, hộ gia đình, cá nhân phải nộp 50% tiền SDĐ. Trong khi đó, theo điểm a, khoản 1, Điều 6, Nghị định số 45/NĐ-CP, các hộ dân SDĐ trước năm 1993 tại các khu vực do UBND xã quản lý (không có nguồn gốc đất NLT) không có một trong các giấy tờ về quyền SDĐ, thì không phải nộp tiền SDĐ đối với diện tích đất trong hạn mức được công nhận đất ở. Như vậy, không có sự đồng nhất về quyền lợi của các hộ SDĐ, so với các hộ dân SDĐ trước năm 1993 không có nguồn gốc là đất NLT. Do đó, các hộ dân không chấp hành nghĩa vụ tài chính, nộp tiền SDĐ theo quy định.
Những khó khăn, vướng mắc đó đã ảnh hưởng lớn đến công tác lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ, quản lý Nhà nước về đất đai đối với diện tích do các NLT bàn giao cho địa phương quản lý. Việc áp dụng chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với diện tích đất bàn giao cho địa phương quản lý chưa có quy định chính sách bồi thường hỗ trợ. Vì theo quy định hiện hành, đất trả ra không được bồi thường, hỗ trợ. Nhưng thực tế, các hộ dân được giao đất, nhận khóan trước đây đang SDĐ, trên đất có tài sản, cây trồng của các hộ nhận khoán và của các công ty NLN. Dẫn đến công tác thu hồi đất tại các công ty lâm nghiệp để phục vụ thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Để tăng cường công tác quản lý đất tại các công ty NLN, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, UBND các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện giao đất, cấp GCNQSDĐ theo phương án đã được phê duyệt. Thiết lập hồ sơ quản lý và quản lý chặt chẽ đất thu hồi. Khai thác, phát huy hiệu quả quỹ đất có nguồn gốc từ các NLT bàn giao cho địa phương quản lý. Nghiên cứu bố trí kinh phí từ ngân sách thực hiện công tác bồi thường, GPMB đối với quỹ đất sản xuất, kinh doanh bố trí trong phương án SDĐ đã được phê duyệt, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định bổ sung chính sách thu tiền SDĐ, khi thực hiện cấp GCN đối với người SDĐ trong phạm vi đất NLT quản lý, từ thời điểm trước khi Nhà nước quy hoạch, giao đất cho các NLT; các hộ là công nhân NTL SDĐ từ trước năm 1993 trong diện tích đất do các NLT quản lý.
Lê Chung