(HBĐT) - Đường sá đi lại thuận tiện giúp chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, giao thương hàng hóa thông suốt, thúc đẩy KT-XH phát triển... Đó là những giá trị thiết thực mang lại từ chương trình cứng hóa đường giao thông nông thôn, gắn với thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Lạc Sơn.
Người dân xóm Sát Thượng của xã đặc biệt khó khăn Tự Do hẳn còn nhớ cách đây 5 năm, việc giao lưu, giao thương ở đây có quá nhiều trở ngại. Vì là đường đất, dốc cao khúc khuỷu nên vào ngày nắng, bà con nhiều khi phải xuống xe còng lưng dắt, ngày mưa thì chỉ có thể mang ủng đi bộ. Bà Bùi Thị Hiềm, xóm Sát Thượng chia sẻ: Giao thông không phát triển thì làm gì cũng vướng. Việc đi lại vất vả, đời sống dân nghèo càng không thể khá lên được, kinh tế hộ chủ yếu tự túc, tự cấp. Vui mừng biết bao khi cách đây 3 năm, đường về xóm được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cứng hóa bằng bê tông. Nhờ đó, việc đi lại dễ dàng, bà con phấn khởi, tích cực lao động, sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa bởi có đường tốt, vấn đề tiêu thụ và giá cả đã được giải quyết.
Mặc dù theo thống kê tại đề án cứng hóa giao thông nông thôn của huyện, đến hết năm 2019 vẫn còn hàng trăm con đường thôn, xóm cần được nâng cấp, đầu tư, nhưng chương trình cứng hóa giao thông nông thôn, gắn với thực hiện tiêu chí số 2 trong xây dựng NTM đã từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.
Năm 2019 cũng là năm xã Thượng Cốc dồn sức hoàn thành tiêu chí về giao thông trong xây dựng NTM. Từ nguồn vốn đề án đã cứng hóa ngầm Cổm trên đường xóm Mè đi xóm Cổm, cứng hóa ngầm Trang trên đường xã Thượng Cốc đi xã Phú Lương với chiều dài mỗi ngầm 124,5 m, rộng 7 m, giúp người dân và các phương tiện đi lại trên tuyến thuận lợi. Ngoài ra, xây dựng mới cầu treo xóm Rậm Anh vượt suối Rậm với chiều dài hơn 100 m, chiều rộng 2,5 m. Trên địa bàn xã, tổng chiều dài đường ngõ, xóm là 10,47 km, đến năm 2019 có 5,93 km đường có kết cấu bề mặt bê tông xi măng, 2,2 km đường cấp phối, cứng hóa khác 2,34 km. Riêng năm 2019 đã thực hiện nhựa hóa, bê tông hóa 3,04 km. Với tỷ lệ cứng hóa giao thông nông thôn là 56,64%, xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, góp phần vào thành quả đạt chuẩn NTM.
Đồng chí Bùi Văn Lích, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Quá trình thực hiện đề án cứng hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 tại địa phương vấp phải không ít khó khăn. Cụ thể là mạng lưới đường giao thông nông thôn lớn, chỉ tiêu đặt ra để hoàn thành đạt tiêu chí số 2 cao, kinh phí đầu tư lớn, ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng một phần. Một số nơi còn chưa tích cực, chủ động, tư tưởng trông chờ nhiều vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Kể từ năm 2017 đến nay, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng bằng nhiều hình thức, chương trình, dự án như Dự án Giảm nghèo giai đoạn bổ sung (2016-2018), Chương trình MTQG xây dựng NTM, chiến dịch toàn dân làm giao thông nông thôn, dự án chống biến đổi khí hậu... Bình quân mỗi năm, kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh cho thực hiện đề án trên 4,5 tỷ đồng, người dân tại các tuyến đường được đầu tư góp 3 tỷ đồng. Từ nguồn đóng góp của Nhân dân đã huy động 180.000 ngày công để đầu tư, phát triển giao thông nông thôn. Hàng trăm hộ dân các xóm, xã tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để làm đường.
Đến nay, thực hiện tiêu chí số 2 NTM huyện đã có 9 xã đạt, gồm: Xuất Hóa, Liên Vũ (nay là thị trấn Vụ Bản), Vũ Lâm (nay là xã Vũ Bình), Tân Mỹ, Nhân Nghĩa, Ân Nghĩa, Hương Nhượng, Yên Nghiệp, Thượng Cốc. Trong năm 2019 đã huy động nguồn lực 127,8 tỷ đồng để thực hiện tiêu chí, gồm 9,2 tỷ đồng từ nguồn Chương trình MTQG xây dựng NTM, 14,3 tỷ đồng ngân sách T.Ư, 103,8 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương, nguồn dân góp 0,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn huy động đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa trên 60 km đường, trong đó có 55,25 km đường bê tông xi măng, 3,5 km rải vật liệu cứng, 4 km rải nhựa, vá láng nhựa.
Bùi Minh