(HBĐT) - Mai Châu là huyện vùng cao có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều hệ thống khe, suối, núi cao. Từ năm 2016 đến nay, lốc xoáy, mưa đá, lũ ống, lũ quét và sạt lở gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng người dân. Năm nay, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
Thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã Sơn Thủy (Mai Châu) khảo sát địa điểm có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn.
Đồng chí Bùi Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy chia sẻ: Phúc Sạn, Ba Khan, Tân Mai (cũ) là những địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở, đá lăn, lốc xoáy. Vì vậy, ngay sau khi 3 xã sáp nhập thành xã Sơn Thủy, cấp ủy, chính quyền xã nhanh chóng triển khai thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai trong năm 2020. Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã phân công từng thành viên phụ trách xóm, phối hợp với cán bộ xóm tổ chức khảo sát những khu vực có nguy cơ sạt lở; xây dựng phương án ứng phó nếu có thiên tai xảy ra; chủ động xây dựng phương án di dời dân tại địa điểm có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, hướng dẫn hộ nuôi cá lồng trên sông Đà có kế hoạch tránh lũ cho hơn 300 lồng cá, như thực hiện bán cá sớm trước mùa mưa lũ; kéo bè vào gần bờ… Từ ngày 7- 8/5 vừa qua, trên địa bàn xã xảy ra mưa to kèm giông lốc, khiến 82 ngôi nhà bị tốc mái, 3 nhà bị hư hỏng nặng và sập hoàn toàn; trên 65 ha ngô bị đổ gẫy tại các xóm: Khan Hò, Khan Hạ, Khan Thượng, Mó Rút. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã đã huy động lực lượng để giúp người dân khắc phục hậu quả.
Từ năm 2016 đến nay, thời tiết cực đoan, mưa đá, lốc xoáy, lũ quét thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Năm 2016, toàn huyện ước tính thiệt hại hơn 31,5 tỷ đồng. Năm 2017, thiên tai làm chết 2 người, thiệt hại về tải sản khoảng 103,3 tỷ đồng. Năm 2018, có 1 người chết, 1 người bị thương, tổng thiệt hại ước khoảng 132 tỷ đồng. Năm 2019, thiệt hại giảm hơn so với các năm trước, khoảng hơn 13,5 tỷ đồng. Trong 2 ngày 7 - 8/5, trên địa bàn xã Sơn Thủy, Bao La xảy ra gió lốc kèm mưa to, khiến 92 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại ước gần 2,5 tỷ đồng, gồm thiệt hại về nhà ở trên 450 triệu đồng, hoa màu trên 2 tỷ đồng.
Qua khảo sát của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, trên địa bàn có nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở với khối lượng đất, đá lớn như: xóm Vãng (thị trấn Mai Châu), xóm Mỏ (xã Chiềng Châu), xóm Lầu (xã Mai Hạ), xóm Phiêng Xa (xã Đồng Tân); các xóm ở xã Tân Thành, Sơn Thủy… Một số tuyến đường có nguy cơ sạt lở như: dọc tuyến QL 6 từ xã Thành Sơn đến xã Đồng Tân, đường Pà Cò đi Hang Kia, đường từ Thung Khe đi Pù Bin. Khu vực thường xảy ra lốc xoáy, mưa đá: xóm Bò Báu (xã Đồng Tân), các xã: Sơn Thủy, Mai Hịch, Xăm Khòe, Bao La…
Đồng chí Khà Văn Diện, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện luôn đề cao tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Trong đó, nêu cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện tập trung xác định hạng mục công trình trọng điểm, chịu sự tác động của thiên tai như hệ thống hồ chứa nước, công trình thủy lợi, hệ thống đường giao thông… Khảo sát, nghiên cứu xác định khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai, để có giải pháp phòng, chống phù hợp. Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ".
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đôn đốc thành viên được phân công phụ trách xã, thị trấn phải bám sát cơ sở, thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện phương án được phê duyệt. Các xã, thị trấn xây dựng phương án phòng, chống thiên tai. Các địa phương cần chủ động, sẵn sàng sơ tán hộ dân nằm trong điểm có nguy cơ cao về sạt, lở; thông báo cho lực lượng Quân đội, Công an sẵn sàng huy động phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả do sạt lở, lũ ống, lũ quét gây ra.
Ngoài ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện phối hợp chặt chẽ với Trạm Khí tượng - thủy văn đưa tin kịp thời, đúng quy định thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới người dân. Tăng cường tuyên truyền về phương án PCTT&TKCN, kiến thức phòng, chống các loại hình thiên tai, nhằm giúp cộng đồng thực hiện tốt biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.
Thu Thủy
(HBĐT) - Ngày 8/5, Sở Tài chính Hòa Bình ban hành Công văn số 996/STC-QLG&CS về việc thực hiện thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ.
(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Đề nghị sớm bố trí kinh phí triển khai thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL 12B, đoạn từ ngã ba Mãn Đức (Tân Lạc) đến QL 1A; tuyến đường 436 đến đường Hồ Chí Minh và QL 15, thuộc địa bàn huyện Mai Châu để thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt, lưu thông hàng hóa của Nhân dân.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao lục địa kết hợp với vùng hội tụ gió trên mực 1.500m nên ngày 13/5, khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa từ 20-40mm/12 giờ, có nơi trên 50mm/12 giờ).
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 749/UBND-NNTN ngày 11/5/2020 về việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá.
(HBĐT) - Việc tổ chức diễn tập xử lý các tình huống giả định là giải pháp thiết thực Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai hàng năm, nhằm chủ động, nâng cao kỹ năng trong xử lý các sự cố điện, cũng như đảm bảo an toàn lao động, nhất là trong mùa mưa bão.
(HBĐT) - Bà Bùi Thị Hương (Lạc Sơn) hỏi: Đề nghị cho biết trường hợp gây cản trở cho việc sử dụng đất (SDĐ) của người khác bị xử phạt như thế nào?