Công chức xã Đông Lai (Tân Lạc) ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, đem lại hiệu quả cao.
Đông Lai là xã đạt chuẩn NTM năm 2019. Hiện nay, xã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, 100% cán bộ, công chức có máy vi tính, phục vụ công tác quản lý và thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ. Các máy tính đều có kết nối mạng internet. Khối Đảng ủy, UBND xã, các máy tính được kết nối mạng nội bộ với Văn phòng Huyện ủy và UBND huyện để gửi, nhận văn bản chỉ đạo, điều hành qua mạng. Xã thường xuyên trao đổi thông tin với cấp trên qua hộp thư điện tử điều hành công việc đúng tiến độ, chất lượng công việc được đảm bảo. Xã được đầu tư xây dựng bộ phận một cửa liên thông hiện đại, đạt chuẩn theo quy định; có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và các điểm phục vụ internet đến 100% xóm; có đài truyền thanh và hệ thống loa truyền thanh được Sở TT&TT đầu tư lắp đặt đến 9/9 xóm, tổng kinh phí hỗ trợ 365 triệu đồng; có trang thông tin điện tử thành phần của xã, địa chỉ: xadonglai.hoabinh.gov.vn.
Để thực hiện đề án có hiệu quả, hiện nay, các địa phương tập trung công bố, phổ biến sâu rộng nội dung đề án. Xây dựng hệ thống thông tin nguồn và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động TTCS. Xây dựng chuyên trang TTCS trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Đến hết năm nay, đầu tư mới 122 đài truyền thanh không dây các xã; nâng cấp, sửa chữa 9 đài truyền thanh không dây hiện đang xuống cấp. Từ năm 2021-2025, duy trì đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử hoạt động hiệu quả theo quy định; đầu tư mới 19 đài truyền thanh không dây các phường, thị trấn; xây dựng 151 bảng tin công cộng cấp xã, hỗ trợ 1.482 thôn, xóm, tổ dân phố xây dựng bảng tin công cộng; nâng cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ khai thác tài liệu không kinh doanh của 151 xã, phường, thị trấn…
Mục tiêu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cấp xã, từng bước xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phù hợp với điều kiện của địa phương. 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử; có điểm phục vụ Nhân dân về nhu cầu thông tin từ các tài liệu không kinh doanh. Các xã, phường, thị trấn có đội ngũ báo cáo viên TTCS được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố có bảng tin công cộng. Hướng đến thiết lập bảng tin điện tử công cộng, đặt tại các địa điểm thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, được kết nối với hệ thống thông tin nguồn…
Theo đó, UBND tỉnh đưa ra các giải pháp: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TTCS, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, triển khai các hoạt động đầu tư phát triển mạng lưới thông tin, truyền thông. Kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý; tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống TTCS, đảm bảo triển khai thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền. Tạo điều kiện ứng dụng công nghệ vào công tác vận hành, quản lý hệ thống TTCS. Đa dạng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn ngân sách hợp pháp khác để đầu tư xây dựng....
Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Đề án được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hệ thống TTCS trên địa bàn tỉnh. Đề án thành công sẽ góp phần chuyển tải kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin thiết yếu từ hệ thống TTCS đến người dân. Từng bước hiện đại hóa hệ thống TTCS, đổi mới phương thức cung cấp thông tin theo hướng hai chiều, chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả. Xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn TTCS đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Hải Linh