Hợp tác xã chuối Viba (Lương Sơn) dấm chuối bằng phòng dấm theo tiêu chuẩn, công nghệ cao nhập khẩu từ Mỹ, được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 194 HTX nông nghiệp, tuy nhiên, đa số các HTX vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương thức cũ, chưa có sự chuyển biến trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất. Toàn tỉnh chỉ có 6 HTX nông nghiệp thực hiện mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất tại các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi và TP Hòa Bình. Với mục tiêu phát triển, nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND về phát triển HTX ứng dụng CNC trong sản xuất, tiêu thụ nông sản đến năm 2020.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 19 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đạt 111% kế hoạch xây dựng (số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh). Các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC đều hoạt động hiệu quả, giá trị sản xuất của sản phẩm nông nghiệp tăng hơn so với phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông thường. Tiêu biểu như HTX chuối Viba (Lương Sơn) xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản chuối, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; HTX Hà Phong (Cao Phong) ứng dụng công nghệ lên men hoa quả, quy trình chế biến và bảo quản hoa quả; HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy (Lạc Thủy) sử dụng máy uống tự động, ăn tự động, tem truy xuất nguồn gốc và bán hàng qua website giới thiệu sản phẩm; HTX dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam (TP Hòa Bình) đầu tư xây dựng nhà nuôi cấy mô, nhân giống dược liệu kết hợp kỹ thuật chế biến đóng gói sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc và bán hàng qua website…
Bà Triệu Thị Oanh, Giám đốc HTX dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam chia sẻ: HTX dược liệu cổ truyền H2O được thành lập năm 2018, để phát triển sản phẩm, HTX đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, máy móc, công nghệ, xây dựng hệ thống nhận diện, đăng ký sở hữu trí tuệ và các kênh bán hàng. Thời kỳ đầu, HTX bán hàng chủ yếu qua các kênh truyền thống thông qua đại lý ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong 3 tháng đầu tiên, mặc dù doanh thu đạt 1,7 tỷ đồng, 10.000 sản phẩm xoang được tiêu thụ nhưng chi phí bán hàng quá cao khiến HTX bị thua lỗ 250 triệu đồng. Để giải quyết vấn đề này, HTX đã nghiên cứu, tận dụng các nền tảng công nghệ mạng xã hội như facebook, zalo, quảng cáo sản phẩm trên website để phát triển kênh bán hàng online nhằm gia tăng doanh số, giảm chi phí bán hàng. Kết quả 3 tháng, hơn 30.000 sản phẩm được bán ra, lợi nhuân HTX thu về hơn 170 triệu đồng. Đến nay, kênh bán hàng online trên website là kênh tiêu thụ chủ yếu của HTX.
Thành công bước đầu của HTX nông nghiệp ứng dụng CNC là nhờ vào sự quan tâm của các cấp, các ngành và quyết tâm bứt phá của chính các HTX. Giai đoạn 2018-2020, Sở NN&PTNT đã phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng, triển khai các dự án, kế hoạch ưu tiên nhằm phát triển HTX, trong đó có phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng CNC. Hàng năm, Sở NN& PTNT phối hợp với Liên minh HTX tỉnh rà soát thực trạng, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình MTQG xây dựng NTM để thực hiện chính sách bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX; phân bổ kinh phí hỗ trợ đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác tại HTX. Hỗ trợ các huyện, thành phố đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp. Đến nay, Sở NN& PTNT đã hỗ trợ được 21 HTX với số vốn 14,3 tỷ đồng… Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn hỗ trợ HTX tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng nhà kính, nhà sơ chế, hệ thống tưới tự động, xây dựng logo, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ sản phẩm…
Thu Thủy