Khảo sát thực tế tại ngầm Bến Nót, xóm Rểnh, khu vực thường xuyên bị nước lũ tràn qua. Theo quan sát, ngầm Bến Nót dài khoảng 25 m, bề ngang 3 m, chiều cao từ ngầm xuống mặt nước 1,5 m, có 4 cống thoát nước... Do đã được xây dựng từ lâu, ngầm Bến Nót thường xuyên đặt trong tình trạng báo động khi nước lũ đổ về tràn qua mặt ngầm, ngập sâu từ 0,7 - 0,8 m. Anh Bùi Văn Phòng, xóm Rểnh trăn trở: "Ngầm Bến Nót có ý nghĩa quan trọng với người dân trong xóm, bởi đây là tuyến đường huyết mạch dẫn đến trung tâm xã. Tuy nhiên năm nào cũng vậy, mưa bão từ tháng 8 - 10 khiến nước lũ tràn về ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, học sinh buộc phải nghỉ học”.
Anh Bùi Văn Lượng, xóm Tre Báng sinh sống gần ngầm Suối Cả cho biết: "Trước khi được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp năm 2018, khu vực ngầm Suối Cả là "điểm đen” giao thông với 3 người thiệt mạng; gia súc đi qua ngầm vào mùa mưa bão cũng thường bị nước lũ cuốn trôi”.
Xã Miền Đồi có 933 hộ, 4.254 nhân khẩu, sinh sống tại 7 xóm. Địa bàn xã chủ yếu là đồi núi cao, bị chia cắt bởi suối Vôi (hay còn gọi là Suối Cả) tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thiên tai như sạt lở đất, đá lăn, mưa lớn dễ dẫn đến tình trạng sụt lún. Theo rà soát, toàn xã có 250 hộ tại 5/7 xóm nằm trong vùng nguy cơ xảy ra thiên tai (người dân sinh sống chủ yếu ở chân đồi, núi). Bên cạnh đó, toàn xã có 8,7 km đường giao thông liên xã, 19,1 km đường liên xóm, trong đó có 4 điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao, tập trung chủ yếu tại các tuyến đường liên xã Miền Đồi - Văn Sơn, Miền Đồi - Tân Lập, liên xóm Thăn - Thây Voi...
Xác định địa bàn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra thiên tai trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã kiện toàn lực lượng, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai đến các thành viên, ban quản lý các xóm. Tổ chức kiểm tra, rà soát khu vực xung yếu để kịp thời khắc phục, xử lý. Bố trí kinh phí lắp đặt hệ thống biển cảnh báo tại các cầu, ngầm, khu vực nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chú ý theo dõi diễn biến thời tiết để gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Khảo sát, bố trí các điểm sơ tán tập trung an toàn, đảm bảo lương thực, thực phẩm cung cấp đầy đủ cho Nhân dân.
Khi xảy ra thiên tai, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”. Huy động nhân lực, vật lực kịp thời di chuyển dân cư và tài sản của Nhân dân đến khu vực an toàn. Phân công lực lượng tổ chức trực 24/24h nhằm ứng phó, xử lý các sự cố bất ngờ. Tại khu vực ngầm tràn và cầu treo, bố trí cán bộ chốt chặn hai đầu, tuyệt đối không để người và phương tiện di chuyển khi nước lũ đổ về.
Đồng chí Bùi Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Từ đầu năm đến nay, nhờ chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa thiên tai, trên địa bàn chưa xảy ra thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Trong thời gian cao điểm mưa lũ từ tháng 8 - 10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã tăng cường kiểm tra, rà soát khu vực xung yếu. Mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp, khắc phục các khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Qua đó nỗ lực đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Đức Anh