Đề cao cảnh giác với hiện tượng mưa dông bất thường
Thứ ba, 15/3/2022 | 9:49:38 Sáng
(HBĐT) - Theo quy luật, hiện tượng mưa to, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa cuối tháng 4, tháng 5 và trong mùa mưa, bão. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm này xảy ra thường xuyên hơn và có thể vào bất kể thời điểm nào trong năm, gây hậu quả nặng nề đến cơ sở vật chất, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi của người dân.
Cuối tháng 2 vừa qua, thiên tai đã làm hư hỏng nhà cửa của một số hộ dân tại xã Vạn Mai (Mai Châu).
Theo thống kê từ năm 2015 đến nay, các địa phương thường bị ảnh hưởng loại hình thời tiết cực đoan phải kể đến Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Đà Bắc, TP Hòa Bình. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 182 ngày mưa dông, cảnh báo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nặng nề nhất là vào cuối tháng 4/2020, dông, lốc, mưa đá làm cho huyện Đà Bắc bị thiệt hại trên 560 nhà; gần 300 ha lúa, hoa màu bị đổ gãy, dập nát không có khả năng khắc phục; ước thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Năm 2021, trong tỉnh xảy ra gần 100 ngày mưa dông, cảnh báo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, tập trung từ tháng 4 đến tháng 8. Do ảnh hưởng của thiên tai đã làm hư hỏng nhà ở, hoa màu và một số công trình công cộng, ước giá trị thiệt hại gần 39.500 triệu đồng, trong đó thiệt hại do dông lốc, mưa đá, sét gần 3.670 triệu đồng. Có 300 nhà bị hư hỏng, gần 490 ha nông, lâm nghiệp bị thiệt hại.
Từ đầu năm đến nay, mặc dù chưa bước vào thời điểm giao mùa hay mùa mưa bão, song Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã liên tục phải phát đi các văn bản chỉ đạo về chủ động ứng phó với mưa dông, lốc, mưa đá, gió giật mạnh, sạt lở. Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều loại hình thiên tai và có những thiệt hại đáng kể... Điển hình là những ngày đầu tháng 3 này, do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết khu vực tỉnh có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông xảy ra lốc, gió mạnh, gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất của người dân. Theo đó, trên địa bàn TP Hòa Bình có gần 30 nhà bị tốc mái. Huyện Kim Bôi có 142 nhà tốc mái, 1 nhà bị sập, một số hộ bị tốc vách nhà sàn. Ngoài ra mưa dông cũng làm gần 5 ha lúa bị ngập, 11,5 ha hoa màu thiệt hại và 7.150 cây bị gãy đổ. Trước đó, vào cuối tháng 2, thiên tai làm hư hỏng một số nhà ở và gãy đổ nhiều cây trồng hàng năm, cây lâu năm trên địa bàn huyện Mai Châu. Đồng thời, nhiều địa phương cũng chịu thiệt hại về trồng trọt, chăn nuôi do rét đậm, rét hại và sạt lở đất, đá.
Đánh giá của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho thấy, tình trạng dễ bị tổn thương do dông, lốc, sét, mưa đá là các công trình nhẹ, công trình cũ, xây dựng bằng các vật liệu có chất lượng kém và do cộng đồng thiếu nhận thức về rủi ro với các hiện tượng thời tiết cực đoan... Xét về độ lớn của những loại hình thiên tai này và tình trạng dễ bị tổn thương tại Hòa Bình ở mức độ trung bình cao, cần phải có những biện pháp ứng phó, nâng cao nhận thức cộng đồng. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung các phương án phòng tránh dông, lốc, sét, mưa đá, trong đó thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình công cộng, công trình tạm, biển hiệu, biển quảng cáo, tổ chức chặt, tỉa cành cây... Khi có cảnh báo về các hình thái thời tiết nguy hiểm có thể xảy ra, cần khẩn trương thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, Nhân dân các biện pháp để phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại. Khuyến cáo, tuyên truyền đến người dân nếu có dông, lốc không được đứng gần, trú tránh dưới cây to, nhà thô sơ, cột điện để tránh bị va đập, đè bẹp hoặc điện giật. Không đứng gần, thò đầu ra ngoài cửa sổ, tường ngoài của căn nhà, trú trong căn phòng nhỏ có hướng ngược với lốc xoáy; không được ở trên nóc nhà... Trong quá trình sản xuất ngoài trời, nếu thấy mưa dông, người dân cần phải tìm những nơi trú tránh an toàn để tránh những hiện tượng bất thường xảy ra.
(HBĐT) - Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng mạnh với hàng nghìn ca/ngày. Hầu hết các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học đều xuất hiện ca bệnh, tỷ lệ điều trị F0, cách ly tại nhà lớn, cũng đồng nghĩa lượng rác thải có nguy cơ lây nhiễm tồn tại ở cộng đồng khá cao. Tuy nhiên, việc quản lý chất thải từ F0 chưa được quan tâm đúng mức, là điều kiện để phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hôm nay, 2/3, Bắc Bộ sáng có mưa nhỏ vài nơi, trời rét về đêm và sáng. Nam Bộ ngày nắng nóng, chiều tối có mưa dông.
(HBĐT) - Mùa lễ hội đang diễn ra trên cả nước cũng như tại tỉnh ta. Do tình hình dịch Covid-19, lễ hội tại các điểm du lịch tâm linh, khu di tích mặc dù chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội nhưng nguy cơ cháy, nổ vẫn cao, cần quan tâm đảm bảo an toàn.
(HBĐT) - Do tác động của biến đổi khí hậu nên những năm gần đây, thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan, gây thiệt hại lớn cho sản xuất, nhà ở, các công trình hạ tầng KT-XH và đáng tiếc là năm nào cũng có người chết, bị thương do thiên tai. Đây là một trong những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của tỉnh. Do vậy, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) luôn được UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo, xác định là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp, ngành và thực hiện thường xuyên.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh khiến miền Bắc tiếp tục rét đậm về đêm và sáng sớm. Ban ngày, nhiệt độ tại đồng bằng tăng nhanh lên ngưỡng 19-21 độ C; ban đêm chuyển rét đậm, mức nhiệt xuống 10-14 độ C, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn.