(HBĐT) - Khi thời tiết ấm dần cũng là điều kiện để các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát, trong đó có dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp để phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh, VDNC là dịch bệnh mới xuất hiện trên trâu, bò, được ghi nhận bùng phát lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào tháng 12/2020. Đây là bệnh do virus gây ra, khi trâu, bò mắc bệnh thường có các biểu hiện như sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi nốt sần có đường kính 2 - 5 cm. Từ thời điểm bùng phát dịch đến nay, dịch bệnh này diễn biến phức tạp, gây thiệt hại không nhỏ đối với hộ chăn nuôi.
Thống kê của Chi cục CN&TY, năm 2021, dịch VDNC bùng phát ở tất cả các huyện, thành phố. Toàn tỉnh có trên 4,7 nghìn con trâu, bò mắc bệnh, 315 con chết. Các huyện có nhiều trâu, bò mắc bệnh như: Lạc Sơn (trên 1 nghìn con), Đà Bắc (815 con), Mai Châu, Đà Bắc, Yên Thủy đều có trên 700 con trâu, bò mắc bệnh. Mai Châu là địa phương thiệt hại nặng nề nhất với 111 con trâu, bò bị chết (chiếm hơn 14% tổng số trâu, bò mắc bệnh trên địa bàn huyện).
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò mắc bệnh VDNC. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY, năm 2021, dịch bệnh VDNC bùng phát vào cuối tháng 3 khi thời tiết ấm dần, các vật trung gian truyền nhiễm bệnh như ve, mòng, ruồi, muỗi hoạt động mạnh hơn khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Do đó, ngay từ thời điểm này, người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để phòng bệnh cho vật nuôi.
Tháng 12/2020, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) là địa bàn đầu tiên của tỉnh ghi nhận trâu, bò mắc bệnh VDNC. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và người chăn nuôi trên địa bàn thị trấn nêu cao ý thức để phòng, chống dịch bệnh. Gia đình ông Hoàng Quốc Phương, khu Tân Hợp là hộ chăn nuôi có quy mô lớn ở thị trấn Mãn Đức. Theo ông Phương, để phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, ngoài đảm bảo đầy đủ thức ăn thì công tác phòng, chống dịch bệnh có ý nghĩa rất quan trọng. Để phòng các loại dịch bệnh cũng như bệnh VDNC, gia đình ông thường xuyên rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi.
Gia đình anh Bùi Văn Thản, xóm Rẽ Vơng, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) đầu tư chuồng trại để phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đến nay được hơn 1 năm. Cũng như ông Phương, anh Thản rất quan tâm phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình. Anh Thản chia sẻ: Nếu để xảy ra dịch bệnh thì người chăn nuôi sẽ thiệt hại lớn, do đó gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Đối với dịch bệnh VDNC, đây là bệnh mới, năm ngoái cũng đã có một số hộ xung quanh bị thiệt hại vì bệnh này. Gia đình tôi chủ động phun thuốc diệt ruồi, muỗi. Nếu trâu, bò có biểu hiện mắc bệnh kịp thời điều trị, vì bệnh này đã có vắc xin.
Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY nhấn mạnh, một trong những biện pháp người chăn nuôi cần triển khai để phòng bệnh VDNC cho đàn trâu, bò là vệ sinh chuồng trại, tiêu diệt ve, mòng, ruồi, muỗi. Bệnh VDNC mặc dù đã có vắc xin, tuy nhiên, vẫn gây ra những thiệt hại nhất định đối với người chăn nuôi. Bên cạnh đó, hiện nguồn cung vắc xin phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY khuyến cáo, khi phát hiện trâu, bò mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh cần nuôi nhốt, cách ly điều trị để tránh lây lan.
Viết Đào