Các lực lượng và người dân xã Kim Bôi (Kim Bôi) cắm biển cấm tắm tại khu vực nguy hiểm trong mùa mưa.
Đồng chí Bạch Công Dương, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn (Kim Bôi) cho biết: Ngay sau khi nắm được tình hình, Ban chỉ huy (BCH) phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Cán bộ, chiến sỹ thuộc Đoàn Thanh niên, chi hội phụ nữ Công an huyện đã hỗ trợ các suất quà và vật liệu với tổng trị giá trên 13,4 triệu đồng; phối hợp với Đoàn Thanh niên xã, các lực lượng địa phương lợp lại mái nhà cho các gia đình.
Năm 2022, lũ xảy ra trên các sông, suối nhỏ trong tỉnh đạt cấp báo động III và trên báo động III, số trận lũ nhiều hơn năm 2021 và xuất hiện vào tháng 7 - 10. Trong những đợt mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất có khả năng xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh, trong đó có huyện Kim Bôi. Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, tích cực ứng phó; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính, BCH PCTT&TKCN huyện đã triển khai nhiều phương án nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu, ban hành công điện, công văn chỉ đạo các cấp, ngành triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai. Chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị trên địa bàn xây dựng, triển khai nhiệm vụ PCTT& TKCN năm; rà soát, kiện toàn bộ máy BCH PCTT&TKCN xã; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trong mùa mưa bão, BCH các cấp phân công thành viên bảo đảm chế độ thường trực 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ, lễ. Ngoài lực lượng PCTT&TKCN theo chỉ tiêu giao, các xã, thị trấn có phương án về lực lượng để chủ động xử lý tình huống cao nhất ở đơn vị mình trước khi có chi viện.
Cùng với đó, các đơn vị quản lý, các xã, thị trấn đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống lũ; tăng cường rà soát, bảo dưỡng 329 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, từng bước kiên cố hoá kênh mương, đảm bảo điều tiết, thoát nước trong mùa mưa. Đối với 180 hộ dân ở 9 xã nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá lăn, huyện đã lập kế hoạch di dời để chủ động sơ tán. Thời điểm này, huyện cũng như các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, vật tư, phương tiện tham gia PCTT&TKCN theo phương châm "4 tại chỗ”. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị đúng, đủ theo biên chế, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Đồng chí Đinh Tất Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Năm 2021, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện khoảng 855 triệu đồng. Để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại cho Nhân dân cần tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng phương án, chuẩn bị vật tư và thực hiện đúng phương châm "phòng là chính”. Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để lập kế hoạch PCTT chi tiết, cụ thể cho từng khu vực; phân công nhiệm vụ cụ thể và giám sát các thành viên phụ trách. Vật tư dự phòng phải đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, tập kết sẵn ở những vị trí cần thiết, ở gần những điểm có nguy cơ xảy ra sự cố, khi cần huy động được ngay. Phòng đã cùng với lãnh đạo các xã, thị trấn thống kê những điểm có nguy cơ sạt lở, cắm biển cảnh báo...
Thu Hằng