Từ đầu năm đến nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm hư hỏng hàng trăm ngôi nhà của người dân trong tỉnh (ảnh chụp tại xóm Khán, xã Vạn Mai (Mai Châu).
Những năm gần đây, trong các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh, hiện tượng mưa dông, lốc xoáy, gió giật, sét đánh luôn để lại những hậu quả nặng nề về người, sản xuất và tài sản. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dông lốc, mưa lớn cục bộ đã làm hư hỏng nhiều nhà ở, diện tích hoa màu và các công trình công cộng tại các huyện, thành phố với giá trị thiệt hại ước khoảng 13,9 tỷ đồng. Đặc biệt, tại huyện Lương Sơn đã có 1 người ở thị trấn Lương Sơn tử vong do mưa lũ và gần đây nhất là ngày 1/6, tại xã Liên Sơn có mưa vừa kèm theo dông, lốc, sấm sét khiến 1 người tại thôn Ao Kềnh tử vong do bị sét đánh.
Trước tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, trái quy luật, UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo việc tăng cường, chủ động phòng chống, ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm.
Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, Ban chỉ huy PCTT& TKCN các cấp theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết của cơ quan chuyên môn, phương tiện truyền thông, chỉ đạo của tỉnh về diễn biến thời tiết tại địa phương, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp. Sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích PCTT cấp xã, vật tư, như: Vải bạt, tấm lợp và phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, tổ chức khắc phục hậu quả được nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc kèm theo mưa đá, sấm sét, trong đó quan tâm gia cố, bảo vệ mái nhà dùng vật liệu dễ bị tốc vỡ; xem xét thu hoạch sớm hoặc che chắn bảo vệ cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể. Tổ chức rà soát, bổ sung các phương án phòng tránh dông lốc, sét và mưa đá phù hợp với địa phương; trong đó thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn chằng chống, gia cố, tu sửa nhà cửa, công trình công cộng, công trình tạm, biển hiệu, biển quảng cáo, tổ chức chặt tỉa cành cây. Nếu trên địa bàn xảy ra mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, sạt lở, lũ quét gây thiệt hại cần triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả; đánh giá thiệt hại kịp thời, hỗ trợ người dân sớm ổn định chỗ ở, sửa chữa nhà cửa, phục hồi sản xuất.
Để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất, tài sản, đặc biệt là phòng tránh thiệt hại về người do dông, lốc, sét đánh, cơ quan chuyên môn khuyến cáo: Khi đang ở khu vực mưa dông, nếu thấy lông tay, tóc dựng thì đang có nguy cơ bị sét đánh, trong trường hợp này phải lập tức chụm hai chân lại, dùng tay bịt tai, cúi thấp người (nhưng không để cơ thể chạm đất ngoài hai bàn chân). Nếu ở ngoài trời, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại. Nên tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất; nhón chân, không được nằm xuống đất; không đứng thành nhóm người gần nhau.
Khi ở trong nhà, nếu có mưa dông nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như nhà tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện khi sắp có dông xảy ra. Với đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Vì vậy nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1 m...