Thời điểm đập Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy, nhiều người vẫn chủ quan vượt qua khu vực cấm để xem xả lũ.
Riêng với Hòa Bình, theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, tổng lượng mưa trong tháng 5 vừa qua đạt từ 224 - 440mm, phổ biến đều nhiều hơn trung bình nhiều năm, cùng kỳ năm trước từ 58 - 357mm. Tính trong 10 ngày đầu tháng 6, tổng lượng mưa phổ biến từ 46 - 158mm, nhiều hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước. Cũng trong thời gian này, trong tỉnh đã xảy ra 3 đợt mưa to đến rất to trên diện rộng. Từ những đợt mưa bất thường này đã gây thiệt hại lớn về sản xuất, nhà cửa, các công trình, nhất là các tuyến giao thông.
Đặc biệt, từ tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người tử vong do sét đánh, lũ cuốn trôi. Sự việc đau lòng gần đây nhất xảy ra vào chiều tối 16/6, có 3 người là thợ xây đang sửa chữa tại Trung tâm thương mại APLAZA (TP Hòa Bình) xuống tắm sông trong thời điểm nước lũ dâng cao, chảy xiết do đập thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy. Hậu quả là một người bị lũ cuốn trôi, trong nhiều ngày vẫn chưa tìm thấy.
Sự kiện đập thủy điện Hòa Bình xả lũ luôn được người dân quan tâm, xem đây là dịp chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của công trình thế kỷ. Không chỉ người dân trong tỉnh mà mỗi lần xả lũ, nơi đây được đón nhiều du khách đến thăm quan. Kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua, bà Nguyễn Bích Vân, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cùng gia đình có dịp được ngắm các cửa xả đáy như thác nước khổng lồ chảy xuống hạ du và tận hưởng hơi nước mát lạnh trong những ngày TP Hòa Bình nắng như đổ lửa. "Đẹp quá nhưng cũng thấy sợ cháu ạ. Sao nhiều người liều thế, có chăng dây rồi mà vẫn vượt qua để xuống gần bờ. Nhỡ đâu...", bà Vân ái ngại khi nhìn nhóm người đang chơi đùa, chụp ảnh, quay clips.
Đáng nói là trong tuần vừa qua, đập Thủy điện Hòa Bình lần lượt mở từ 1 - 5 cửa xả lũ. Mặc dù các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, cắt cử người thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, song vẫn còn không ít người dân có tâm lý chủ quan khi xả lũ.
Những năm gần đây, năm nào trong tỉnh cũng có những trường hợp tử vong do thiên tai. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan của người dân, chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm khi có thiên tai. Chính vì vậy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng tránh thiên tai. Đồng thời chỉ đạo việc hướng dẫn, tuyên truyền cộng đồng chủ động ứng phó, nhất là trong các tình huống thiên tai khẩn cấp được nhanh chóng, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, hạ du khi hồ Hòa Bình xả lũ, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân trong mùa mưa lũ năm 2022, Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ngành, đơn vị chức năng, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao.
Trong đó, UBND các huyện: Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc, Cao Phong và TP Hòa Bình tổ chức thông tin, tuyên truyền về việc vận hành điều tiết xả lũ của hồ Hòa Bình đến người dân khu vực hạ du, ven sông trong thời gian mùa lũ (từ 15/6 - 15/9) và trong những tình huống bất thường. Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn khi các hồ chứa xả lũ bao gồm: Hệ thống đê điều, đê bối, công trình đang thi công, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, trên khu vực lòng hồ, ven sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò, hoạt động khai thác khoáng sản, canh tác nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh khác trên bãi sông. Chỉ đạo rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp độ báo động, nhất là phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu (đối với UBND TP Hòa Bình). Giải tỏa các bến bãi trái phép gây cản trở dòng chảy trên lòng sông, bãi sông. Phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương tuyên truyền, phổ biến, ngăn chặn người dân, khách du lịch chụp ảnh, câu cá, vớt củi… khu vực hạ du đập khi xả lũ để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Công ty Thủy điện Hòa Bình tập trung rà soát kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho công trình hồ Hòa Bình và khu vực hạ du đập thủy điện, đặc biệt là thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm, đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng khi xả lũ, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp, vào ban đêm... Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, đặc biệt là sự cố gây mất an toàn đập. Chỉ đạo vớt rác lòng hồ khu vực thượng lưu và các biện pháp công trình bảo vệ môi trường khu vực hồ. Thực hiện nghiêm lệnh vận hành của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT...
Hoàng Nga