Tình trạng sụt lún, sạt lở đất ven sông đã trở thành vấn đề khẩn thiết đối với cư dân vùng sông nước Cà Mau. Chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đang làm mọi cách để ứng phó, nhưng tình trạng sạt lở vẫn chưa dừng lại, có nơi mức độ diễn ra còn nghiêm trọng hơn.


Vụ sạt lở đất xảy ra tại ấp 4, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn vào sáng 17/6.

Giữa tháng 6, các vụ sạt lở ven sông ở tuyến cơ sở liên tục được báo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau. Có ngày trên địa bàn một huyện xảy ra đến vài vụ.

Mất ngủ vì sạt lở ven sông

Kênh xáng Cái Ngay (ấp 4, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn) tiếp nhận dòng nước đục ngầu từ sông Cửa Lớn. Đây là một trong hai tuyến sông ăn thông ra Biển Đông lớn nhất ở Cà Mau, chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều. Cũng vì lẽ đó, mực nước chênh lệch khá lớn giữa nước ròng và nước lớn, kéo theo dòng chảy cuồn cuộn như thác lũ. Đó cũng là "thủ phạm" nhấn chìm vựa thu mua tôm của gia đình ông Trần Thanh Điền, ngụ ấp 4 (xã Hiệp Tùng) vào khuya ngày 16, rạng sáng 17/6/2022.

Dù đã được địa phương huy động lực lượng hỗ trợ di dời nhiều vật dụng có giá trị, nhưng đến giờ, ông Điền vẫn còn cảm thấy bất an. Ông cho biết, vào khoảng 11 giờ ngày 16/6, gia đình đang thu mua tôm thì nghe có tiếng động lạ, mặt đất có dấu hiệu rạn nứt. Linh tính có chuyện chẳng lành, gia đình ông nhờ nhóm công nhân di chuyển 20 thùng tôm và một số tài sản có giá trị đi nơi khác. Khoảng 30 phút sau đó, mặt đất rung chuyển, cả nhà ông chạy ra ngoài thoát thân trước khi căn nhà chìm nghỉm dưới dòng nước xiết. "Chỉ còn cái nóc là lộ trên mặt nước. Chính quyền cũng nhanh chóng có mặt để hỗ trợ. Qua đo đạc, khu vực sạt lở dài khoảng 40m, ngang 20m, độ sâu ít nhất khoảng 4m. Chỉ riêng tài sản thiệt hại hơn 250 triệu đồng", ông Điền giọng buồn xo.

Chưa hết bàng hoàng thì khoảng 1 giờ sau đó, một đoạn lộ (đường) nông thôn nằm cạnh bờ sông ở ấp Hiệp Tùng (xã Hiệp Tùng) bất ngờ bị "hà bá" nuốt chửng, dù trước đó người dân không phát hiện dấu hiệu bất thường. Khu vực sạt lở ấy dài 34m, ngang 4m, sâu đến 3,5m. Cùng thời gian trên, cặp triền sông Cửa Lớn, một phần căn nhà làm nơi buôn bán của gia đình ông Trần Quang (khóm 3, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) đổ ụp xuống sông, thiệt hại tài sản khoảng 200 triệu đồng. Tại khu vực trên, vị trí sạt lở ngang 10m, dài 7m, sâu khoảng 3,5m.

Thông tin nhanh với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hiệp Tùng Đồng Quốc Trung cho biết: Xã có thành lập đội tình nguyện, huy động dân quân tự vệ tham gia giúp dân những lúc nhà cửa hư hỏng do mưa bão, sạt lở đất. Cực nhất là những tháng cao điểm mùa mưa bão, có hôm chính quyền và đơn vị chức năng ở cơ sở phải thức trắng đêm để hỗ trợ người dân.

Hiểm họa sụt lún, sạt lở đất ngày càng tăng về cường độ và số vụ trong mùa mưa bão ở vùng sông nước Cà Mau, đặc biệt là các huyện ven biển. Huyện có nhiều vụ sạt lở nhất là Đầm Dơi: từ đầu năm 2022 đến ngày 17/6 đã xảy ra 30 vụ sạt lở ven sông, hư hỏng hơn 20 nhà dân, hơn 200m lộ bê-tông vùng nông thôn, hai cống xổ tôm, một trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp, tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Tiếp theo là huyện Năm Căn với 10 vụ, tổng chiều dài sạt lở hơn 236m, thiệt hại và hư hỏng 10 nhà dân và 119m lộ nông thôn.

"Mới khoảng hai tháng cao điểm mùa mưa bão 2022 mà số vụ sạt lở ven sông của địa phương đã bằng gần 50% tổng số vụ sạt lở của cả năm 2021", Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Phương Bình nói. Những khu vực gần nơi xảy ra sạt lở, chiều dài rạn nứt gấp 2-3 lần nơi đã sạt lở, chực chờ sụt xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, địa phương đã khoanh vùng, nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giác, di dời trước các vật dụng có giá trị và không nên ngủ qua đêm tại nhà đang cất trên vị trí nguy cơ cao, phòng tình huống bất ngờ không kịp trở tay.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, Nguyễn Long Hoai thông tin: Qua khảo sát thực tế, mỗi năm hai bờ sông, rạch ở Cà Mau mỗi bên sạt lở trung bình khoảng 25cm. Cộng dồn trong 10 năm gần đây, Cà Mau đã mất đi ít nhất 4.000ha đất vì sạt lở ven sông.

Hiểm họa sạt lở vùng sông nước Cà Mau -0

Nhà dân ở xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) hư hỏng nặng vì sạt lở đất.

Giải pháp nào ứng phó?

Cà Mau có ba bề giáp biển, tổng chiều dài bờ biển hơn 250km và gần 10.000km sông, kênh, rạch...; là nơi có hệ thống sông ngòi chằng chịt bậc nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong số đó, hàng trăm sông, rạch... ăn thông ra Biển Đông và Biển Tây, chịu tác động trực tiếp của chế độ bán nhật triều khiến mực nước chênh lệch lớn, có nơi đến hơn 3m. Quan trắc từ năm 2017 đến nay, từ Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho thấy, đỉnh triều đã tăng từ 2,26m lên 2,54m.

Cộng với độ cao-thấp của chế độ bán nhật triều thì chênh lệch giữa nước ròng và nước lớn ở ven sông Cà Mau là từ bằng đến hơn 3m khiến dòng nước ngày càng chảy xiết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến mức độ sạt lở ở Cà Mau vốn đã nghiêm trọng nay càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt tại các huyện ven biển như Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân.

Thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến ngày 20/6, tức chỉ sau khoảng hai tháng kể từ thời điểm mùa mưa bão bắt đầu tại địa phương này, tỉnh đã có gần 50 vị trí sụt lún, sạt lở đất ven sông với tổng chiều dài khoảng 1.000m, làm hư hỏng gần 30 nhà dân và 500m lộ nông thôn, cùng một số tài sản có giá trị của người dân. Nhiều vụ sạt lở xảy ra ở ngay khu vực họp chợ, khu vực đông dân cư hoặc ngã ba sông-những vị trí kinh doanh, buôn bán sầm uất. Vì vậy, khi sạt lở bất ngờ xảy ra, hộ dân sẽ thiệt hại nặng về tài sản, thậm chí có trường hợp "tán gia, bại sản"…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Trần Đoàn Hùng, ngoài yếu tố địa chất, thủy văn, ảnh hưởng của dòng chảy mạnh thì nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ sạt lở còn do tác động từ con người, nhất là việc hộ dân tự ý cơi nới hạ tầng nhà cửa, nơi buôn bán lấn nhiều ra mép sông, gây áp lực lên nền đất yếu. "Tới đây, địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân sống ven sông ý thức hơn trong việc cơi nới nhà cửa. Đồng thời cũng mong tỉnh có biện pháp can thiệp tại những vị trí sạt lở xung yếu ven sông nhằm giảm thiệt hại; tăng cường kinh phí, trang bị thêm các dụng cụ thiết yếu để lực lượng chuyên trách cấp huyện thực hiện tốt hơn nữa chức năng hỗ trợ người dân trong những tình huống thiên tai xảy ra", ông Hùng đề xuất.

Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, chính quyền và các đơn vị chức năng địa phương đang cắm biển cảnh báo tại 130 vị trí sạt lở bờ sông trên toàn tỉnh; tiếp tục tuyên truyền nhân dân không được nâng cấp, xây mới nhà cửa dẫn đến tăng gia tải khiến việc sạt lở dễ xảy ra ở những vị trí ven sông; tuyên truyền cho các hộ dân thường xuyên kiểm tra vị trí đang ở xem có dấu hiệu bất thường không để có hướng xử lý, di dời; trồng cây ven sông bảo vệ nhà cửa; phối hợp các đơn vị chuyên trách hạn chế công suất vận tải đường thủy ở những vị trí xung yếu có đông dân cư, các vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở ven sông...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam, giải bài toán sụt lún, sạt lở đất ven sông đã trở thành vấn đề sống còn đối với cư dân vùng sông nước Cà Mau. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ bằng các giải pháp công trình kè quy mô thì suất đầu tư lớn và khá tốn kém. Theo ước tính, kinh phí xây dựng 1km kè sông gấp từ 8 đến 10 lần xây dựng 1km kè biển, tương đương khoảng 200 tỷ đồng, vượt xa sức chịu đựng của ngân sách địa phương. Nhưng đây là việc không thể không làm.

"Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, chúng tôi dự tính sẽ chỉnh trị dòng chảy bằng cách xây dựng cống, đập ở hai đầu có dòng nước chảy xiết. Thí dụ như tuyến lộ khoảng 20km từ trung tâm huyện Đầm Dơi về xã Tân Tiến đang bị sạt lở nhiều điểm, sẽ nghiên cứu làm cống hạn chế dòng chảy, suất đầu tư khoảng 5 tỷ đồng mỗi cống", ông Nam chia sẻ và khẳng định, công trình đạt hiệu quả, tình trạng sạt lở trên tuyến không còn thì công trình hai cống trị giá khoảng 10 tỷ đồng có thể bảo vệ được tuyến lộ hơn trăm tỷ đồng. Sắp tới, ngành chức năng tỉnh sẽ phối hợp với các vụ, viện, trường, nhà khoa học cùng nghiên cứu giải pháp chỉnh trị dòng chảy ven sông của từng hệ thống, đặc biệt đối với những điểm nóng sạt lở đất để có giải pháp công trình hữu hiệu nhất.

Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Đêm 19/5, Đông Bắc Bộ có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều và đêm 19/5, khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, có nơi trên 150mm.

Thời tiết ngày 18/5: Cả nước có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 18/5, ở Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.

Phát triển cây xanh đô thị, tạo không gian sống cho cư dân cho thành phố Hòa Bình

Dịp tháng 5, không chỉ cư dân thành phố Hòa Bình mà bất cứ du khách nào khi đến đây đều thấy sắc màu, vẻ đẹp lãng mạn của những cây bằng lăng, hoa phượng, hoa điệp vàng và nhiều loại hoa được trồng tại các tuyến phố, khu cân cư. Những con đường, tuyến phố đẹp, ngập tràn sắc hoa đem lại cảm giác bình yên, lắng đọng của một thành phố đang đổi mới, đáng sống.

Thời tiết ngày 17/5: Tây Nguyên, Nam Bộ mưa to, Bắc Bộ giảm mưa

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/5, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Thời tiết ngày 16/5: Mưa dông nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 16/5, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 80 mm; ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm.

Chủ động phòng tránh mưa dông, mưa lớn từ đêm 15/5 - 16/5

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Hòa Bình vừa ban hành công văn gửi các thành viên và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thành phố về việc ứng phó với mưa lớn kèm dông, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục