Vào mùa mưa, suối Chăm, phường Thái Bình (TP Hoà Bình) luôn tiềm ẩn rủi ro thiên tai cao.
Năm 2022 được dự báo thiên tai có diễn biến phức tạp, khó lường; mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra bất ngờ... Căn cứ tình hình thực tế trong nhiều năm qua, phường Thái Bình xác định phương châm ứng phó thiên tai trên địa bàn là: Chủ động phòng tránh; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả. Đặc biệt, để ứng phó với lũ, ngập lụt, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... ngay từ đầu năm, UBND phường đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai (PCTT). Đồng thời, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN phường đã xây dựng bổ sung phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai.
Phường đã sớm kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN. Hoạt động thông tin liên lạc trong chỉ huy được chú trọng, nâng cao tính hiệu quả. Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN phường đã xây dựng phương án trực ban 24/24h. Cùng với đó, lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động luôn sẵn sàng huy động khi có tình huống. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị được chuẩn bị với 200 chiếc bao tải, 100 cọc tre, 10 áo phao, 20 chiếc cuốc, xẻng; hợp đồng đảm bảo phương tiện gồm 1 xe ô tô tải 5 - 10 tấn; 2 xe ô tô từ 20 - 45 chỗ và 1 máy xúc.
Đồng chí Trần Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Để công tác PCTT được hiệu quả, trước hết mỗi người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Do vậy, UBND phường đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, truyền tải thông tin kịp thời, nhất là trong thời điểm xảy ra mưa lũ để người dân đề cao cảnh giác. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai tới hộ gia đình, nhất là với những hộ có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai và đã chịu tác động từ những năm trước đây. Đồng thời, quan tâm cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sạt lở, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét...
UBND phường cũng đề nghị các nhà trường đứng chân trên địa bàn có biện pháp giáo dục cho học sinh hiểu biết về lũ, bão, sạt lở đất và cách phòng, tránh khi đi học qua các khu vực thường xuyên bị ngập sâu nếu có mưa lớn và địa điểm nguy cơ sạt lở đất. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong công tác PCTT&TKCN. Huy động tiềm lực sẵn có trong Nhân dân trong việc chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng khi thiên tai, bão lũ xảy ra.
Bên cạnh đó, các tổ dân phố, cơ quan đóng trên địa bàn, mỗi đơn vị thành lập 1 tiểu ban xung kích PCTT, sẵn sàng huy động lực lượng khi có tình huống. UBND phường yêu cầu các tổ dân phố thường xuyên rà soát địa bàn, nắm chắc từng hộ gia đình, các điểm xung yếu có nguy cơ chịu ảnh hưởng của các cấp độ rủi ro thiên tai có thể xảy ra, thông báo, cảnh báo đến người dân để có biện pháp chủ động phòng ngừa. Sát sao theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, các loại hình thiên tai, kịp thời chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả ban đầu. Các tổ dân phố cũng thường xuyên tổ chức vệ sinh, phát dọn đường làng, ngõ phố, khơi thông hệ thống các tuyến mương, con suối đảm bảo thông thoáng dòng chảy tiêu thoát lũ. Đồng thời, đảm bảo vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng cho việc ứng cứu, khắc phục hậu quả tại chỗ...