Vào mùa mưa lũ, các hộ dân sinh sống 2 bên bờ suối Chăm chảy qua địa bàn tổ 3, tổ 4, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) luôn nơm nớp lo sợ nguy cơ ngập úng.
Ngoài ra, tại khu vực đô thị, nhất là trên địa bàn TP Hòa Bình có những tuyến đường, khu dân cư thường xảy ra ngập cục bộ tại một số điểm khi có mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng tới giao thông và cuộc sống của người dân.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng mưa to gây lũ, ngập úng đã xảy ra tại các địa phương. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 8, trên phạm vi khu vực tỉnh đã có 5 đợt mưa lớn diện rộng và 2 ngày mưa diện rộng. Đáng lưu ý là đợt mưa từ ngày 10 - 12/8, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 2 nên đã có mưa diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 142 - 258 mm; trong đó, huyện Mai Châu có tổng lượng mưa đợt lớn nhất và ngày 11/8 có mưa ngày lớn nhất, lên tới 210 mm. Mưa lũ đã gây thiệt hại về người, nhà ở, giao thông, thủy lợi và một số công trình khác. Về sản xuất nông nghiệp có trên 1.050 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại và ảnh hưởng.
Nhìn dòng nước lũ suối Chăm đục ngầu, cuồn cuộn chảy, đe dọa sự an toàn của các hộ dân hai bên bờ, bà Bùi Thị Huệ, Bí thư chi bộ tổ 4, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) cho biết: Con suối này bình thường không nhiều nước, nhưng chỉ cần mưa to liên tục trong 2 - 3 tiếng thì nước dâng rất nhanh, ngầm không qua lại được và nước có thể vào đến nhà dân. Ở tổ 4 có 10 nóc nhà, tổ 3 cũng có nhiều hộ sinh sống 2 bên suối. Vào mùa mưa, bà con luôn nơm nớp lo chạy lũ. Từ thực tế này, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành chức năng xem xét hỗ trợ kè lại 2 bên bờ suối để mỗi khi lũ về, Nhân dân không còn lo ngại sạt trượt, hay nước tràn vào nhà rất nguy hiểm, nhằm không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và của.
Hiện đã bước vào cao điểm mùa mưa lũ với dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến tháng 2/2023, dự báo trên khu vực biển Đông có khoảng 8 - 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta từ 3 - 5 cơn. Đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp và mưa lớn dồn dập. Cũng theo cơ quan chức năng, dự báo trong tháng 9, tháng 10 tới, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 9 - 11/2022, trên các sông, suối ở tỉnh xuất hiện 1 - 2 đợt lũ vừa và lũ lớn nguy hiểm.
Nhằm chủ động phòng chống lũ, ngập lụt, úng, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương, cơ quan có liên quan theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp.
Tổ chức khoanh vùng diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng và có phương án ứng phó cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình thủy lợi tiêu úng. Tổ chức bơm tiêu nước đệm trong hệ thống thủy lợi phù hợp với thông tin dự báo mưa; khi xảy ra mưa lớn có nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước.
Tổ chức rà soát xác định trọng điểm công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn, chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, đặc biệt các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp; hồ chứa vừa, nhỏ, hồ chứa xung yếu và hồ chứa đang có mức trữ cao.
Các hồ chứa có cửa van điều tiết lũ cần theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước đến để có phương án vận hành phù hợp theo quy định tại quy trình vận hành; lưu ý việc vận hành xả lũ (nếu có) phải bảo đảm đồng thời yêu cầu an toàn công trình đầu mối, vùng hạ du.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ, bão; với các hồ chứa đã tích đầy nước hoặc có mức trữ cao, cần theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước đến để có phương án vận hành phù hợp; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm "4 tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình...
Bình Giang