(HBĐT) - Tính từ đầu năm đến giữa tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như: dông, lốc, mưa lớn cục bộ, rét đậm, rét hại gây mưa vừa, mưa lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Đặc biệt, đã xuất hiện 13 đợt mưa lớn diện rộng và 9 ngày mưa vừa diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến nhiều hơn trung bình nhiều năm từ 41 - 471 mm và nhiều hơn cùng kỳ năm trước từ 12 -573 mm. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả. Tuy vậy, thiên tai vẫn gây ra thiệt hại lớn trên địa bàn 10 huyện, thành phố, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.


Những đợt mưa lớn vừa qua khiến một số tuyến đường trên địa bàn xã Nà Phòn (Mai Châu) bị sạt lở. 
Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại

Theo thống kê, đã có 10 người chết, 1 người mất tích, 1 người bị thương; 213 hộ dân với 814 người bị ảnh hưởng; 551 nhà bị thiệt hại, 188 nhà phải di dời khẩn cấp, 487 nhà ngập nước; 1.703 ha lúa, 80,4 ha mạ, 607 ha hoa màu, 428,08 ha cây trồng hàng năm, 45,5 ha cây trồng lâu năm, 40,11 ha cây ăn quả tập trung, 6,3 ha rừng bị ảnh hưởng, thiệt hại; 206,8 ha nuôi cá và nhiều lồng, bè thiệt hại; hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm, vật nuôi khác bị chết. Ngoài ra, thiên tai đã gây thiệt hại cho 4 điểm trường; 8 công trình văn hóa; nhiều công trình thủy lợi; giao thông; điện; nước sạch và vệ sinh môi trường... bị sạt lở, gãy đổ, hư hỏng nghiêm trọng.

Ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh khoảng 671.714 triệu đồng. Trong đó, thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp 269.214 triệu đồng; về hạng mục cơ sở thiết yếu bị hư hỏng khoảng 402.500 triệu đồng. Trước tình hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng đối với một số công trình giao thông, thuỷ lợi, UBND tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai làm ảnh hưởng, hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông tại cầu Ngòi Mại, Km8+310, đường tỉnh 445; sạt lở kè bảo vệ đê Đà Giang khu vực K2+538 và thượng lưu cầu Đen do mưa lũ tại phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình.

Khi có thiên tai xảy ra, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ”; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước cấm các phương tiện và người qua lại. Chính quyền địa phương nơi xảy ra thiên tai đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó; cử lực lượng chốt giữ các ngầm tràn; tạm thời khắc phục điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông để đảm bảo lưu thông; có phương án sơ tán, di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy cơ bị sạt lở... qua đó góp phần giảm bớt thiệt hại.

Mặc dù đã rất nỗ lực, chủ động ứng phó với các tình huống, song thiệt hại do thiên tai vẫn nặng nề. Đồng chí     Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Theo đánh giá kết quả 9 tháng, những thiệt hại do thiên tai, nhất là thiệt hại về người rất lớn. Qua phân tích cho thấy, đâu đó không hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, mà còn do sự chủ quan của chính nạn nhân khi có trường hợp cố tình tham gia giao thông ở địa bàn không an toàn, mặc dù đã có cảnh báo, hoặc có trường hợp sau khi hết mưa đã đi bắt cá, tắm sông, hay có việc quản lý trẻ em không tốt dẫn đến đuối nước. Chính vì vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn nhân dân biết được mức độ nguy hiểm của các loại hình thiên tai để phòng tránh và có biện pháp tự bảo vệ mình. Đồng thời, khuyến khích người dân khai thác, sử dụng kết quả thông tin dữ liệu từ 31 trạm đo mưa tự động nhằm nâng cao hiệu quả PCTT. Các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát, thống kê, từ đó phân loại, đánh giá các khu vực có nguy cơ mất an toàn về sạt trượt đất, hồ đập, các tuyến giao thông; có thể xây dựng kịch bản để tập trung phòng chống khi có tình huống xảy ra...

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những tháng cuối năm 2022, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10, 11. Mưa ở Bắc Bộ đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét.

Để chủ động chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm, BCH PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo quan trọng khác của T.Ư và tỉnh về công tác PCTT, TKCN. Theo dõi chặt diễn biến thời tiết, các bản tin cảnh báo của các cơ quan chuyên môn về mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và nhân dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh.

Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; rà soát khơi thông dòng chảy, trên các sông suối, kênh mương, ngầm tràn để đảm bảo tiêu thoát lũ. Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, gia cố, bảo vệ hồ, ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại...


Bình Giang


Các tin khác


Mưa lớn khiến nhiều địa phương của Quảng Ninh bị ngập lụt cục bộ

Do ảnh hưởng của mưa to đến rất to từ chiều 30/9 đến sáng 1/10, khiến nhiều khu dân cư ở các địa phương miền Đông của tỉnh Quảng Ninh ngập lụt cục bộ và xuất hiện lũ trên một số ngầm tràn.

Ngư dân Quảng Ngãi hối hả vươn khơi sau bão

Ngay sau khi bão số 4 đi qua, các cảng cá trong tỉnh Quảng Ngãi cũng dần nhộn nhịp trở lại khi ngư dân hối hả chuẩn bị nhu yếu phẩm, sẵn sàng đưa tàu thuyền vươn khơi khai thác hải sản.

Tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới

(HBĐT) - Chiều 30/9, UBND tỉnh ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND về tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

Mưa lớn ảnh hưởng cơn bão số 4 gây thiệt hại tại một số địa phương

(HBDT)-Theo báo cáo nhanh của BCH PCTT&TKCN tỉnh, từ ngày 28 - 30/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to và mưa rất to tại các địa phương, lượng mưa lớn nhất đạt 171,4 mm tại xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc.

Thời tiết ngày 30/9: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to

Theo Trung Tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, ngày 30/9, ở khu vực Nam đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to.

Phòng chống mưa lớn, dông, lốc, sét do ảnh hưởng của bão số 4 suy yếu

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa có Công văn số 1687/UBND-KTN, ngày 28/9/2022 về việc phòng chống mưa lớn, dông, lốc, sét do ảnh hưởng của bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, triển khai các nội dung sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục