Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, triển khai các nội dung sau:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 138/BCH-VP ngày 20/9/2022, Công văn số 141/BCH-VP ngày 27/9/2022 của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về việc sẵn sàng các biện pháp ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022.
- Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm về thiên tai sạt lở đất, ngập lụt, lũ ống lũ quét trong thời gian tới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai công tác PCTT kịp thời, hiệu quả theo phương châm "bốn tại chỗ", trong đó đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
- Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu. Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để tiếp tục xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người.
- Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới; nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân.Các địa phương có công trình hư hỏng như: sạt lở chân cầu Đen, phường Đồng Tiến, cầu ngòi Mại, TP Hòa Bình; hồ Sòng Nước, hồ Đầm Sống, huyện Yên Thủy; sạt lở sau trụ sở UBND xã Tân Minh, huyện Đà Bắc; các khu vực ngập lụt tại huyện Lương Sơn...và các công trình có nguy cơ cao mất an toàn khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho công trình và người trong khu vực, thường xuyên kiểm tra theo dõi diễn biến hư hỏng công trình.
- Đài Khí Tượng thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.
- Sở NN&PTNT, Sở Công Thương theo chức năng QLNN được giao phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và khôi phục sản xuất ngay sau thiên tai; chủ động chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn, đồng thời góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
- Sở GTVT chỉ đạo, hỗ trợ địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các trục giao thông chính của tỉnh.
- Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ.
- Sở GD&ĐT chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, hạn chế thiệt hại, bảo đảm cho học sinh có thể đi học trở lại ngay sau bão, lũ.
- Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các LLVT chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Hòa Bình và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các kỹ năng ứng phó, hạn chế rủi ro khi xảy ra thiên tai, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến và công tác chỉ đạo PCTT.
- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tiếp tục duy trì công tác trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai trong thời gian tới, cập nhật, báo cáo thiệt hại theo quy định...
H.N (TH)