(HBĐT) - Với hơn 9 nghìn ha rừng sản xuất, huyện Lạc Thủy có nhiều lợi thế phát triển kinh tế rừng. Trong những năm qua, để nâng cao giá trị rừng trồng, huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân kéo dài chu kỳ cây trồng, chuyển hóa từ rừng cây gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, mang lại lợi ích kinh tế cao.
Anh Đinh Văn Nguyên, thôn Liên Hồng, xã Khoan Dụ gắn bó với nghề rừng từ năm 2001. Với 11 ha rừng trồng đã giúp gia đình anh của ăn của để. Tuy nhiên, câu chuyện duy trì 11 ha rừng đối với anh Nguyên cũng là một quá trình không đơn giản. Anh Nguyên cho biết: Khi mới bắt đầu nhận đất, gia đình trồng bạch đàn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao do giá thành thấp, công chăm sóc lớn, đã có lúc gia đình nghĩ đến việc trả đất. Sau này, được sự hỗ trợ của huyện, gia đình chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây keo đã cho giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt là giống keo lai của Nhật. Với mỗi ha keo 6 năm tuổi thu được 70 triệu đồng, để 1 năm sau thì có thể bán được 90 triệu đồng. Vì vậy, gia đình quyết định phân lô trồng gối vụ quay vòng, vừa có thể kéo dài chu kỳ để tăng giá trị cây trồng, vừa có keo thu hoạch thường xuyên.
Trồng keo lai sinh khối lớn cũng là hướng đi mà xã Đồng Tâm đang triển khai nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng. Hiện xã có 1.147 ha rừng sản xuất. Nhiều hộ tham gia trồng rừng đã kéo dài chu kỳ từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hộ ông Nguyễn Văn Hoạt, thông Đồng Nội là một ví dụ điển hình. Với 1,5 ha rừng chuyên trồng keo, trước đây, mỗi chu kỳ trồng là 6 năm, tuy nhiên chu kỳ này đến năm thứ 8 ông mới cho khai thác. Hầu hết lượng gỗ keo khai thác được đều bán thành phẩm là gỗ bóc mang lại giá trị kinh tế cao. Để có thể kéo dài chu kỳ khai thác, gia đình ông tận dụng tán rừng chăn nuôi gà thả quy mô khoảng 7.000 con/lứa, trung bình mỗi năm thu từ 400 - 500 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Kinh tế rừng là thế mạnh của huyện Lạc Thủy, trong đó có xã Đồng Tâm. Từ nhiều năm nay, người dân gắn bó với cây keo lai theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng nhiều giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Để nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, xã vận động người dân kéo dài chu kỳ sản xuất trung bình từ 5 - 6 năm lên chu kỳ 8 - 10 năm để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Xác định rừng trồng là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện, trong những năm qua, huyện Lạc Thủy đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ kinh tế rừng phát triển. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư thâm canh, định hướng cho các chủ rừng, hộ gia đình đầu tư trồng rừng theo hướng thâm canh, kinh doanh rừng gỗ lớn. Diện tích rừng thâm canh và khai thác hàng năm khoảng 860 ha. Diện tích trồng rừng gỗ lớn chiếm 45% tổng diện tích trồng rừng hàng năm, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất có chu kỳ trên 7 năm. Cùng với các cơ chế, chính sách, huyện cũng tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật giúp người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có 19 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ gỗ và với việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận tiện cho vận chuyển, giá trị từ gỗ sơ chế trên địa bàn huyện tăng lên. Nhờ chủ động đổi mới theo hướng nâng cao giá trị rừng trồng, huyện Lạc Thủy đã bước đầu triển khai mô hình sản xuất dược liệu dưới tán rừng tại các xã: Hưng Thi, Thống Nhất... Nhờ đó giá trị kinh tế rừng tiếp tục được mở rộng, góp phần xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững cho người dân.
Theo đồng chí Hoàng Đình Chính, để tiếp tục phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững, huyện Lạc Thủy chủ động tuyên truyền để người dân chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn; tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập với các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ phát triển rừng sản xuất một cách bền vững.
Đinh Hòa