Trong 12 năm qua, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức rà soát, thống kê các nội dung thanh tra để tổng hợp, xây dựng kế hoạch của Thanh tra tỉnh và hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm theo hướng không chồng chéo, trùng lặp về nội dung và đối tượng thanh tra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, hoạt động quản lý CLSPHH được các cơ quan chức năng tích cực triển khai, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn những vi phạm do hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, uy tín các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Các sở, ngành, địa phương đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản về quản lý CLSPHH và công tác phối hợp trong quản lý CLSPHH, chú trọng vào các nhóm hàng hóa là sản phẩm thiết yếu, sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật; xây dựng chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi; treo băng rôn, khẩu hiệu… Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan ký các quy chế phối hợp trong các hoạt động liên quan đến công tác kiểm tra CLSPHH. Như Thanh tra tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ký kết Quy chế phối hợp số 01/QC-TTr- HHDN về phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Nhiều nội dung trong quy chế được thực hiện khá tốt, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Quy chế phối hợp số 1267, ngày 4/8/2016 giữa Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở Công Thương về phối hợp liên ngành trong quản lý an toàn thực phẩm; Chương trình phối hợp số 06, ngày 24/11/2014 giữa Hội Nông dân tỉnh, UBMTTQ tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương về việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020; Chương trình phối hợp số 663, ngày 16/9/2021 giữa Sở NN&PTNT, Sở Công Thương về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025.
Kết quả, từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra về CLSPHH đối với 35.358 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, xử phạt 1.588 tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về CLSPHH với tổng số tiền phạt 24,7 tỷ đồng; tiêu hủy số hàng hóa vi phạm quy định về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm... tổng trị giá 8,9 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra CLSPHH, cụ thể: Công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo CLSPHH chưa thực sự phát huy hết hiệu quả, do nhiều doanh nghiệp và người dân chưa thực sự chủ động quan tâm, tìm hiểu. Một số doanh nghiệp chưa tích cực phối hợp lực lượng chức năng trong việc phát hiện, kiểm tra xử lý đối với hàng hóa là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Tinh thần tự giác của người dân trong tố giác hành vi vi phạm với cơ quan chức năng còn hạn chế. Lực lượng chức năng thực hiện công tác kiểm tra CLSPHH nhìn chung còn mỏng, chủ yếu làm việc trong giờ hành chính. Công tác phối hợp và cơ chế trao đổi thông tin giữa các sở, ngành, địa phương chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, chủ yếu mang tính chất vụ việc. Năng lực của các phòng thử nghiệm trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu thử nghiệm CLSPHH, thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh, đặc biệt là các nhóm sản phẩm như điện, điện tử, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, thủy sản…; kinh phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra hạn chế. Lực lượng cán bộ làm công tác thanh kiểm tra CLSPHH ở các tuyến còn thiếu, đặc biệt đối với ngành Công Thương, NN&PTNT. Đối với cấp xã, hầu như không có công chức phụ trách công tác quản lý CLSPHH, do đó, công tác kiểm tra, thanh tra về CLSPHH mới được thực hiện ở diện rộng mà chưa đảm bảo về chiều sâu…
VH