Mặc dù chưa có nhà máy xử lý rác thải nhưng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Yên Thủy đạt khoảng 75%.
Nhiều khó khăn trong triển khai dự án
Thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg, ngày 26/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017 - 2020”, UBND tỉnh đã có công văn đăng ký xây dựng mô hình theo Quyết định số 712/QĐ-TTg, trong đó đề xuất triển khai thực hiện xây dựng mô hình khu xử lý chất thải rắn quy mô liên xã tại huyện Yên Thủy. Địa điểm thực hiện dự án tại thôn Thung Trộc, xóm Heo, xã Đa Phúc, quy mô từ 10 - 12 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 35 tỷ đồng. Sau khi nhận được tờ trình của UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT tổ chức lấy ý kiến của các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, KH&CN, Xây dựng, TN&MT... Trên cơ sở ý kiến của các bộ, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Theo đó, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương lần 1 tại Quyết định số 1030/QĐ-UBND, ngày 20/5/2021 với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh lần 2 tại Quyết định số 2813/QĐ-UBND, ngày 30/11/2021 với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư 11,621 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 6,379 tỷ đồng, vốn góp của doanh nghiệp 21,688 tỷ đồng, vốn huy động cộng đồng 312 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án đến năm 2022.
Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, do tâm lý người dân chưa được thông suốt và đồng thuận dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, kéo dài. UBND huyện Yên Thủy triển khai thực hiện GPMB từ năm 2019, đến tháng 12/2020 người dân mới đồng thuận.
Bên cạnh đó, phương án vận hành, lựa chọn nhà đầu tư chưa được quy định cụ thể trong các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành nên việc thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác chuẩn bị đầu tư chậm, UBND tỉnh đăng ký xây dựng mô hình từ tháng 8/2017, nhưng đến tháng 4/2019, Bộ NN&PTNT mới có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh thực hiện dự án. Đến khi phê duyệt dự án và thiết kế bản vẽ thi công theo quy định thì thời gian thực hiện đề án theo Quyết định số 712/QĐ-TTg đã gần kết thúc. Ngoài ra, cơ chế thực hiện dự án theo Luật Đầu tư công khó thực hiện, do dự án có sự đóng góp của doanh nghiệp (55% tổng vốn dự án). Nếu có nhà đầu tư bố trí kinh phí để đóng góp với Nhà nước thực hiện dự án thì sau khi hoàn thành, công trình là tài sản Nhà nước, nhà đầu tư chưa được quy định cơ chế để thu hồi vốn. Mặt khác, nhà đầu tư vừa bố trí vốn để thực hiện dự án, vừa phải đấu thầu 55% khối lượng công việc của dự án để thực hiện giải ngân vốn của chính mình, nên khó hấp dẫn nhà đầu tư tham gia.
Dừng dự án để dành nguồn lực cho phát triển KT-XH
Theo đồng chí Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, dự án này huyện được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư. UBND huyện đã lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các hạng mục cần thiết để phục vụ cho việc hoạt động của nhà máy, bao gồm nhà xưởng và các hạng mục phụ trợ như san nền, bể tập kết rác, đế bê tông hệ thống xử lý và đế bê tông lò chịu tải. Ước đã thực hiện được khoảng 32,1% khối lượng công việc. Số vốn đã giải ngân 12,835 tỷ đồng, chiếm 71,3% nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong đó, chi phí xây lắp 4,379 tỷ đồng; chi phí GPMB 7,191 tỷ đồng; chi phí tư vấn, khảo sát, giám sát, thiết kế... 1,265 tỷ đồng.
Trước những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án, năm 2021 và ngày 9/9/2022, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT báo cáo, đề xuất, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cũng như dự thảo phương án tài chính, quản lý, vận hành dự án sau đầu tư. Sau khi xem xét và trên cơ sở tham gia ý kiến của các Bộ: KH&ĐT, TN&MT, Tài chính, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời về việc giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình giải trình về công tác triển khai mô hình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất dừng thực hiện dự án.
Trong giải trình báo cáo Thủ tướng mới đây, UBND tỉnh nêu rõ: Vào thời điểm đề xuất thực hiện dự án, nếu được đầu tư đi vào hoạt động cơ bản đảm bảo việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho huyện Yên Thủy. Tuy nhiên, do lượng rác thải ngày càng gia tăng và hiện nay, huyện Yên Thủy đang được quy hoạch hơn 800 ha diện tích khu công nghiệp. Do vậy đòi hỏi phải có khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khu xử lý chất thải công nghiệp và xử lý chất thải nguy hại để phục vụ nhu cầu xử lý chất thải trên địa bàn huyện Yên Thủy và các huyện, tỉnh lân cận. Quy mô của dự án với công suất 1.500 kg rác/giờ đã được phê duyệt không đáp ứng được tốc độ, nhu cầu phát triển của huyện. Để đáp ứng yêu cầu mới, đề xuất mở rộng quy mô dự án lên khoảng 10 ha (dự án theo mô hình Quyết định số 712/QĐ-TTg là 3,4 ha); áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn xây dựng dây chuyền tái chế rác thải thành những sản phẩm hữu ích khoảng 40 ha.
Trên cơ sở tình hình thực tế triển khai thực hiện dự án, để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả nguồn lực chương trình NTM đầu tư thực hiện dự án, tại Công văn số 2316/UBND-KTN, ngày 30/12/2022, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng thực hiện dự án theo Quyết định số 712/QĐ-TTg; giao UBND tỉnh đấu giá cho thuê đất đối với khu đất thực hiện dự án; bán đấu giá tài sản đã đầu tư trên khu đất của dự án. Số tiền thu được do đấu giá đưa vào ngân sách để sử dụng cho chương trình xây dựng NTM. Đơn vị trúng đấu giá sẽ đầu tư hoàn chỉnh và tổ chức vận hành khu xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Mạnh Hùng