(HBĐT) - Đó là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) năm nay (15/5 - 22/5/2023) nhằm mục tiêu tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương trong công tác PCTT; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai năm 2023 và đề cao vai trò, trách nhiệm trong năm Việt Nam làm Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai.

 


Công trình thoát nước, chống ngập tại khu vực tổ 1, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đang được thi công nhằm khắc phục tình trạng ngập nước trong mùa mưa bão năm nay.

Mới đây, tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về PCTT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT Nguyễn Hoàng Hiệp đã cho biết, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực PCTT của nước ta khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai. Vì vậy, chủ đề của Tuần lễ Quốc gia năm nay "Từ ứng phó đến hành động sớm” thể hiện vai trò dẫn dắt, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực quản lý thiên tai.

Những năm trở lại đây, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, khó lường, khó đoán định. Mỗi năm, ở nước ta chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại hình thiên tai gây thiệt hại rất lớn về con người, tài sản, sản xuất công, nông nghiệp và các công trình. Từ đầu năm đến nay, nước ta tiếp tục hứng chịu nhiều hình thái thời tiết cực đoan như rét đậm, rét hại; khô hạn và nắng nóng đặc biệt gay gắt trên diện rộng, có thời điểm ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử quan trắc. Đã có những thiệt hại xảy ra, nhất là thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, lao động sản xuất của người dân và cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trên phạm vi tỉnh Hòa Bình cũng ghi nhận thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những thách thức lớn đối với phát triển kinh tế bền vững của tỉnh. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, tỉnh ta đã phải hứng chịu hầu hết các loại thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, rét hại, nắng nóng…) gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất của nhân dân.

Thực tế cho thấy, công tác PCTTtrên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và đặt lên hàng đầu. Nhằm chủ động triển khai các hành động, biện pháp cần thiết, hợp lý PCTT; nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương khi có thiên tai xảy ra; thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ”, nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. UBND tỉnh đã chú trọng xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó với thiên tai giai đoạn 5 năm và hàng năm. Theo đó yêu cầu: Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành, địa phương trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp các loại hình thiên tai.

Với yêu cầu ngày càng cao và cấp thiết của công tác PCTT, UBND tỉnh đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ”. Những năm qua, việc củng cố, kiện toàn đội xung kích PCTT cấp xã đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ những giờ đầu tại các địa phương. Do vậy, UBND tỉnh chỉ đạo cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng tránh thiên tai thì cần đẩy mạnh việc hướng dẫn lập kế hoạch PCTT ở cấp cơ sở (cấp xã). Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiện toàn đội xung kích ở các xã để thực hiện tốt hơn nữa phương châm "bốn tại chỗ".

Thực tế là bên cạnh sự chỉ đạo sâu sát, kiên quyết của chính quyền các cấp thì sự đồng thuận của người dân trong việc ứng phó thiên tai, chủ động di dời khỏi vùng nguy hiểm cũng là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân cũng như hạn chế các thiệt hại khác do thiên tai gây ra.

Trở lại với chủ đề của Tuần lễ Quốc gia về PCTT năm nay, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, chìa khóa để quản lý tác động của thiên tai là tập trung vào hành động chung - trước khi thiên tai xảy ra - đảm bảo công tác dự báo sớm thời tiết khắc nghiệt; đảm bảo hành động sớm và tính sẵn sàng. Điều đó cũng có nghĩa, hành động ngay hôm nay để thực hiện tất cả những gì có thể để ngăn chặn tiến triển của biến đổi khí hậu - cùng nhau hành động, cùng nhau kêu gọi, thay đổi cách làm vì một Việt Nam xanh, sạch và an toàn cho mọi trẻ em, mọi người dân.


Bình Giang


Các tin khác


Thời tiết ngày 4/5: Nhiều khu vực có mưa và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy vân Quốc gia, ngày và đêm 4//5, nhiều khu vực có mưa và dông, cục bộ có mưa to.

Thời tiết ngày 3/5: Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 3/5, Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to, với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 80 mm.

Mưa dông ở miền Bắc sẽ kéo dài đến khi nào?

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên đợt nắng nóng nhiều ngày qua ở miền Bắc đã chấm dứt, trời chuyển mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Dự báo, mưa dông sẽ kéo dài ở miền Bắc đến ngày 4/5, sau đó sẽ quay trở lại những ngày nắng nóng.

Thời tiết ngày 1/5: Bắc Bộ có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc; Bắc Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 1036/SNN-KL về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) gửi UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục