Theo báo cáo của Sở TN&MT, tổng trữ lượng khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã cấp theo giấy phép khai thác là 327.828.976 m3, tổng công suất thiết kế, khai thác 9.207.981 m3/ năm. Huyện Lương Sơn là địa bàn tập trung trữ lượng lớn nhất với 248.766.833 m3, có 44 mỏ đá hoạt động nằm trên địa bàn 7 xã, chiếm trên 60% tổng số mỏ đá toàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Thời gian qua, việc lập lại trật tự khai thác khoáng sản được huyện triển khai kịp thời và cơ bản đảm bảo. Đối với những mỏ đá không đủ điều kiện khai thác, căn cứ trách nhiệm, thẩm quyền, UBND huyện tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh tạm dừng hoạt động. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác nhằm rà soát lại tất cả mỏ đá trên địa bàn tỉnh, trong đó có các mỏ khai thác tại địa bàn huyện Lương Sơn. Trên cơ sở báo cáo của tổ công tác, huyện tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình trong việc giám sát hoạt động khai thác. Trong đó, liên quan đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, UBND huyện giao đơn vị chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra ngay.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương như: Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác quản lý mỏ, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh...
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản được tăng cường triển khai với hình thức phong phú. Nhờ đó các cấp chính quyền nâng cao vai trò, trách nhiệm, phát huy được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản tại địa phương. 20 năm qua, Sở TN&MT đã chủ trì tổ chức thẩm định 74 đề án thăm dò, 148 đề án khai thác khoáng sản, đóng cửa 4 mỏ khai thác, thu hồi 47 giấy phép hoạt động khoáng sản.
Góp phần ngăn chặn kịp thời các tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép, chấn chỉnh hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, ngành TN&MT phối hợp các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động khoáng sản như: không lắp đặt camera giám sát, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp... Ngoài ra, ngành tích cực phối hợp Cục Thuế tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đôn đốc các đơn vị hoạt động khoáng sản nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đóng góp vào thu NSNN 452,14 tỷ đồng.
Đồng chí Đào Anh Thép, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) cho biết: Thời gian qua, ngành TN&MT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo Luật Khoáng sản và các quy định khác có liên quan, từng bước đưa công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đi vào nền nếp, thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật hiện hành. Dù vậy, để việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản có hiệu quả và bền vững, ngành chức năng, chính quyền, các doanh nghiệp cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị và người dân; quan tâm rà soát, nắm rõ quy hoạch để có đánh giá sát với thực tế, tránh thất thoát tài nguyên...
Thu Hằng