Giáo viên chi trường mầm non xóm Tuổng Đồi, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) tận dụng vỏ chai nhựa xây dựng công trình vườn hoa, tạo cảnh quan cho nhà trường.
Từng có thời điểm con suối Chiềng giữa trung tâm xã Mường Chiềng ngập ngụa trong rác. Trong đó, lẫn với cành cây, củi mục chủ yếu là túi nilon và vỏ chai nhựa các loại do người dân vứt ra môi trường, bị nước lũ từ thượng nguồn kéo về sau mỗi lần mưa. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này đã được hạn chế. Sau những đợt tuyên truyền sâu rộng của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, các cấp về hạn chế sử dụng và xử lý rác thải nhựa, túi nilon trong sinh hoạt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân xã Mường Chiềng đã được nâng lên đáng kể. Không còn tình trạng vứt rác, nhất là túi nilon sau sử dụng một cách bừa bãi ra môi trường như trước. Những khu vực bị ô nhiễm bởi rác thải của người dân đã được thu gom, xử lý. Đáng kể hơn, nhiều người dân đã trở thành những tình nguyện viên trong bảo vệ môi trường. Cùng với đó, tại các xóm khu vực trung tâm và chợ trung tâm cụm xã được cấp thêm 25 thùng rác và 3 xe thu gom rác thải sinh hoạt.
Đồng chí Bùi Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Thời gian qua, ngoài việc ký hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, không vứt, xả rác thải bừa bãi ra môi trường. Đặc biệt, trong sản xuất phải thực hiện nghiêm túc quy trình thu gom, xử lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn nguy cơ thuốc tồn dư độc hại phát tán gây ô nhiễm môi trường.
Không chỉ vậy, trên địa bàn xã có nhiều cách làm hay góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sống. Như ở các xóm giáp lòng hồ sông Đà, xã tăng cường vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây lâm nghiệp lấy gỗ có giá trị như xoan, tếch, trẩu, bồ đề vào trồng thay thế một số loại cây trồng mùa vụ sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật như ngô, lúa cạn..., hạn chế nguồn rác thải nhựa là bao gói nilon trong quá trình sản xuất.
Tại các trường học phát động phong trào thu gom chai nhựa để tái sử dụng. Cô giáo Mùi Thị Hào, chi trường mầm non Tuổng Đồi chia sẻ: Từ việc thấy người dân vứt rác thải là các loại chai nước ngọt bằng nhựa ra ngoài môi trường hoặc từ thượng nguồn sông Đà trôi về, nhà trường đã có sáng kiến vận động các bậc phụ huynh thu gom đóng góp ủng hộ nhà trường, tái chế làm các chậu hoa để tạo cảnh quan hay đồ dùng học tập phục vụ việc dạy và học cho học sinh. Theo đó, nhà trường vận động mỗi phụ huynh có con em đến lớp đóng góp ít nhất 10 chai nhựa các loại. Với cách làm đó, nhà trường đã thu gom tái sử dụng hàng nghìn vỏ chai nhựa mỗi năm. Qua đó không chỉ góp phần giải quyết khó khăn về đồ dùng học tập, mà còn góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, khuyến khích phụ huynh học sinh chung tay bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo đồng chí Bùi Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND xã, với những nỗ lực đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Chiềng phấn đấu đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Mạnh Hùng