Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Hòa Bình tăng cường bảo mật, chống lại các hình thức lừa đảo của tội phạm công nghệ cao.
Nhiều thách thức trước sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 73 máy ATM, 492 máy POS và hầu hết hộ kinh doanh, shiper thanh toán QR code, chuyển khoản qua dịch vụ internet banking, mobile banking. Theo đánh giá, tăng trưởng bình quân về dịch vụ TTKDTM qua các kênh khoảng 50%/năm, trong đó, thanh toán qua QR code tăng mạnh nhất.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 661 nghìn người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức CUDVTT, chiếm 75% dân số của tỉnh. Theo đồng chíVũ Thị Song Nguyệt, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, tỷ lệ này đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 của tỉnh.
Bên cạnh những tiện tích trong TTKDTM, việc đảm bảo an ninh tài chính trong TTKDTM qua ngân hàng và tổ chức CUDVTT phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức trước sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao. Thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị chức năng Công an toàn tỉnh đã tiếp nhận thông tin về 35 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trên KGM, tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 25 tỷ đồng.
Đại tá Trương Quang Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ: Hầu hết các vụ việc LĐCĐTS trên KGM đều liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và các tổ chức CUDVTT. Các đối tượng thường sử dụng tài khoản ngân hàng để tiếp nhận tiền của bị hại chuyển đến, sau đó lại chuyển tiếp tới tài khoản ngân hàng khác để "xóa dấu vết”. Ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch, mở tài khoản hay sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường điện tử phát triển mạnh mẽ và trở nên phổ biến. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng phạm tội có nhiều phương thức, thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội.
Theo đồng chí Vũ Thị Song Nguyệt, tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tập trung vào một số loại tội phạm, vi phạm pháp luật trong thanh toán thẻ; sử dụng KGM để LĐCĐTS; cho vay nặng lãi qua các ứng dụng..., nhất là tội phạm LĐCĐTS trên KGM ngày càng gia tăng. Đặc biệt là các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp để LĐCĐTS của người dân. Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Thuế, Bảo hiểm xã hội yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng (app) giả mạo trên điện thoại, thực hiện giao dịch chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Hoặc dùng thủ đoạn tuyển cộng tác viên bán hàng online, làm nhiệm vụ đơn hàng, kêu gọi đầu tư chứng khoán...; lập website, giả mạo nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng bài quảng cáo cho vay với thủ tục nhanh, gọn, yêu cầu nộp các loại phí để chiếm đoạt. Gần đây, các đối tượng tội phạm sử dụng một số thủ đoạn mới như: sử dụng công nghệ deepfake giả mạo khuôn mặt, giọng nói của người thân, bạn bè lừa chuyển tiền; giả mạo dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo; lập doanh nghiệp "ma”, mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền đầu tư chứng khoán, Forex...
Ngân hàng tăng cường bảo mật, người dân đừng tự biến thành "con mồi”
Nguyên nhân chính dẫn đến gian lận thanh toán, LĐCĐTS qua các phương thức thanh toán, giao dịch ngân hàng và các tổ chức CUDVTT diễn ra nhiều trong thời gian qua, theo đồng chí Vũ Thị Song Nguyệt là do hiện nay giấy tờ tùy thân bị làm giả tinh vi, khó phát hiện; hệ thống hậu kiểm, kiểm soát giao dịch theo dấu hiệu bất thường của các ngân hàng không kịp thời phát hiện. Ngoài ra, một bộ phận người dân thiếu kiến thức về an ninh mạng, bảo mật thông tin khi sử dụng internet; do người dùng chia sẻ thông tin cá nhân rộng rãi trên MXH, làm cho thông tin cá nhân dễ dàng bị thu thập, sử dụng sai mục đích; người dùng sử dụng mật khẩu yếu hoặc sử dụng chung mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau; truy cập vào các liên kết không an toàn, không rõ nguồn gốc tải dữ liệu có mã độc tiết lộ thông tin cá nhân...
Xuất phát từ thực tế trên, các ngân hàng đã tăng cường bảo mật, chống lại các hình thức lừa đảo, hành vi phạm tội của tội phạm công nghệ cao. Nổi bật là các ngân hàng sử dụng phương pháp xác thực đa yếu tố như: xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, giọng nói hoặc mã OTP để xác nhận giao dịch. Điều này giúp ngăn chặn việc sử dụng deepfake hoặc các phương pháp lừa đảo khác sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Đồng chí Vũ Thị Song Nguyệt cho biết thêm: Các ngân hàng đang đẩy mạnh mã hóa dữ liệu. Đây là một công nghệ quan trọng để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Bên cạnh đó, công nghệ blockchain cũng được nhiều ngân hàng sử dụng để bảo vệ tính toàn vẹn của các giao dịch trực tuyến. Đồng thời, sử dụng công nghệ giám sát, phát hiện gian lận để phát hiện, ngăn chặn các hoạt động gian lận, lừa đảo trong các giao dịch trực tuyến...
Ngoài việc tăng cường giải pháp bảo mật của các ngân hàng thì người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác. Đây là yếu tố quan trọng để ngăn chặn các hoạt động lừa đảo. Trong đó, "mỗi người dân phải luôn tuân thủ các nguyên tắc về an ninh, bảo mật theo đúng hướng dẫn của ngân hàng và tổ chức CUDVTT; chủ động bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thông tin thẻ ngân hàng, ví điện tử. Tuyệt đối không thuê, cho thuê, trao đổi, mua bán, tiết lộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng, ví điện tử dưới mọi hình thức để tránh bị lợi dụng...”, đồng chí Vũ Thị Song Nguyệt nhấn mạnh.
Mạnh Hùng