Mỏ đồng An Phú tại xã Thạch Yên, huyện Cao Phong đã dừng hoạt động nhưng nhiều bể chứa axít vẫn chưa được xử lý. Tuy đã được che bạt nhưng do tác động của axit, bạt che tạm dần hư hỏng, có nguy cơ tràn bể theo dòng nước ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân dưới hạ nguồn.
Những bể chứa hóa chất của Công ty CP khoáng sản đồng An Phú tại xã Thạch Yên (Cao Phong) được che đậy nhưng bạt đã có dấu hiệu thủng, nguy cơ nước mưa chảy vào làm tràn ra ngoài.
"Quả bom” nổ chậm
Tọa lạc trên quả đồi rộng lớn thuộc địa bàn xã Thạch Yên, hạ tầng của Công ty CP khoáng sản đồng An Phú được xây dựng quy mô lớn. Nhiều dãy nhà làm việc cùng hệ thống các bể lọc quặng đồng lớn. Tuy nhiên, mỏ đồng đã dừng khai thác. Toàn bộ hệ thống nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị cũng "đắp chiếu", xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là 11 bể chứa dung dịch hóa chất và nơi tập kết nguyên liệu quặng đồng chỉ được che đậy bằng bạt, nhưng theo thời gian đã bị rách lỗ chỗ. Qua lỗ thủng dễ dàng nhìn thấy, bên trong các bể chứa khổng lồ là nước có màu đen kịt, đầy đến gần miệng bể. Có thể thấy nếu không xử lý sớm, bạt thủng gặp trời mưa hóa chất này sẽ bị tràn, ngấm, chảy ra suối - nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân phía dưới.
Xóm Quà, xã Thạch Yên nằm dưới chân mỏ đồng An Phú. Xóm Quà cũng là nơi gặp gỡ giữa 3 dòng suối, gồm suối Màn, suối Bai Chúa, sau đó đổ vào suối Cái. Bà Bùi Thị Quyện (70 tuổi) cho biết: Trước đây dưới suối có nhiều tôm, cá và ốc, người dân vẫn thường xuống suối để đánh bắt cải thiện bữa ăn. Nhưng mấy năm nay không còn con cá, con tôm nào. Ao của gia đình ông Bảy gần suối cá cũng chết hết và bỏ hoang. Sinh ra và lớn lên ở đây, chưa bao giờ tôi thấy có hiện tượng cá, tôm chết sạch như thế.
Cách mỏ đồng An Phú cả chục km, chị Bùi Thị Liên, xóm Dũng Tiến, xã Dũng Phong cũng lo lắng: "Năm 2021, khi cá trên suối chết hàng loạt, chúng tôi cũng nghi ngờ nước từ mỏ đồng tràn xuống. Chúng tôi đã kiến nghị đến chính quyền địa phương nhưng không hiểu sao nhiều năm vẫn chưa xử lý triệt để”. Đây là nơi đầu nguồn nước không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các xóm: Quà, Đẩy, Ngái thuộc xã Thạch Yên. Suối Cái chảy qua địa bàn các xã: Dũng Phong, Tây Phong, Bắc Phong và Thung Nai, sau đó đổ ra sông Đà nên nguy cơ hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.
Chưa xử lý triệt để các bể hóa chất
Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 25121 000.447, ngày 21/5/2014 của UBND tỉnh chứng nhận Công ty CP khoáng sản đồng An Phú là nhà đầu tư xây dựng công trình nhà máy chế biến đồng An Phú tại xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng (nay là xã Thạch Yên), huyện Cao Phong, tổng vốn đầu tư khoảng 115,6 tỷ đồng, tiến độ hoàn thành đầu tư trong tháng 10/2015, thời hạn hoạt động của dự án 8 năm (đến hết tháng 5/2022). Năm 2016, dự án chính thức đi vào hoạt động. Công ty chế biến được khoảng 80 tấn kim loại đồng/90 nghìn tấn quặng thô. Tháng 3/2017, nhà đầu tư đã dừng mọi hoạt động do không đủ nguyên liệu để sản xuất, tổng khối lượng quặng thô còn tồn đọng được bảo vệ tại mỏ phục vụ cho chế biến, tiêu thụ sản phẩm ước khoảng 1.500 tấn.
Trong quá trình vận hành, ngày 3/7/2016, do ảnh hưởng của mưa bão dẫn đến hiện tượng nước mưa tràn vào bể ủ quặng của nhà máy, tràn ra môi trường bên ngoài, khiến cá tại 2 ao của hộ dân thuộc xóm Quà và rải rác ở suối trên địa bàn xã Yên Lập (cũ) bị chết. UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 320 triệu đồng. Ngày 29/11/2016, công ty được UBND tỉnh cho phép vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, thời hạn 3 tháng. Tuy nhiên, kết thúc quá trình vận hành thử nghiệm, công ty dừng mọi hoạt động sản xuất từ tháng 3/2017 do không có đủ nguyên liệu sản xuất.
Năm 2021, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài khiến hóa chất trong các bể chứa rò rỉ ra bên ngoài môi trường, gây ra hiện tượng cá chết tại suối Cái, thuộc địa phận xóm Dũng Tiến, xã Dũng Phong. Tổng cục Môi trường đã phối hợp các đơn vị liên quan, tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty CP khoáng sản đồng An Phú. Tổng cục Môi trường đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường với số tiền trên 1 tỷ đồng.
Ngày 27/4/2022, đoàn kiểm tra của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đã tiến hành kiểm tra kết luận công ty vẫn còn để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường. Việc lưu giữ dung dịch hóa chất sau tuyển luyện tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công ty chưa chấp hành đầy đủ các nội dung yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa thực hiện nộp báo cáo tình hình triển khai dự án định kỳ theo quy định của pháp luật về đầu tư; chưa thực hiện nộp báo cáo định kỳ hàng năm, báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Đến nay dự án đã hết hạn hoạt động. Trước khi hết hạn công ty đã nộp đơn, hồ sơ để xin gia hạn thời hạn dự án và điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đến nay vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục gia hạn hoặc cấp phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên hiện nay, tại dự án tồn tại một khối lượng axit lớn có nguy cơ chảy ra ngoài môi trường. Chi cục Bảo vệ môi trường thường xuyên đôn đốc công ty sớm có giải pháp xử lý hóa chất, nhưng đến nay vẫn chỉ là giải pháp tạm thời như hút bớt lượng hóa chất và che bạt ở các bể.
Ngày 29/12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi công văn cho Công ty CP khoáng sản đồng An Phú, nội dung giải quyết hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đồng tại xóm Khánh, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong. Theo đó, số liệu giữa báo cáo tài chính và vốn điều lệ đăng ký tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP khoáng sản đồng An Phú chưa có sự thống nhất về vốn chủ sở hữu. Hồ sơ dự án chưa nêu phương pháp tính tổng mức đầu tư, phương án tài chính, kế hoạch sản xuất, kinh doanh làm cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án; chưa làm rõ các chi phí, hạng mục công trình đã đầu tư. Khu vực đề xuất thực hiện dự án không trùng lấn với quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh thông qua. Cần đánh giá lại trữ lượng khoáng sản còn lại tại vị trí đã được phê duyệt kết quả thăm dò, làm cơ sở đánh giá sự phù hợp của công suất thiết kế, thời hạn hoạt động của dự án và các nội dung khác có liên quan…
Từ những nội dung nêu, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa đủ cơ sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư thực hiện dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đồng tại xóm Khánh, xã Thạch Yên do Công ty CP khoáng sản đồng An Phú đề xuất.
Qua trao đổi, ông Lê Xuân Cúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP khoáng sản đồng An Phú cho biết: Nếu được chấp thuận tiếp tục đầu tư chúng tôi nâng cấp công nghệ tiên tiến tuyển luyện đồng thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại. Xử lý triệt để toàn diện lượng hóa chất, axit còn tồn đọng trong khu vực nhà máy. Khai thác triệt để, tận dụng tối đa tài nguyên khoáng sản, tránh lãng phí tài nguyên. Cam kết chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND tỉnh thực hiện nghiêm kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án. Đảm bảo tiên quyết cho phát triển KT-XH bền vững, mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp nói riêng và người dân địa phương nói chung...
Việt Lâm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 29 ngày 30/1, Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều trời hửng nắng; trời rét, có nơi rét đậm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có rét hại; khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời rét đậm, có nơi rét hại.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 27/1, bộ phận không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 4, giật cấp 5 - 6.
Theo báo cáo của UBND huyện Mai Châu, từ ngày 22 - 25/1, do ảnh hưởng của không khí lạnh trên địa bàn huyện xảy ra rét đậm, rét hại, đặc biệt là các xã vùng cao nhiệt độ xuống thấp dưới 50C.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý chất thải rắn trên địa bàn, huyện Kim Bôi đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy mạnh thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn. Phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh đang trải qua đợt rét đậm, rét hại khắc nghiệt nhất từ đầu mùa Đông đến nay. Với thời tiết cực đoan, người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, trong đó đặc biệt lưu ý không chăn thả gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 120C.