Thế giới ngày càng quan tâm hơn đến biến đổi khí hậu. Năm nào hội nghị thượng đỉnh về vấn đề này cũng diễn ra hết sức căng thẳng. Tiếng nói chung để tìm giải pháp hóa giải tình trạng "cha chung không ai khóc” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không dễ tìm được. Có dịp tới Australia - đất nước bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, chúng tôi thấy rõ những âu lo, dù sự chuyển động là rất tích cực.
Một cánh đồng điện gió ở Australia.
1. Thật bất ngờ khi đến làm việc tại Đại học Quốc gia Australia lại là một chuyên gia người Việt. Tiến sĩ Đỗ Nam Thắng - giảng viên cao cấp chuyên ngành Chính sách công, biến đổi khí hậu của trường đại học tốp đầu của Úc, từng làm việc tại Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi nhận thêm quốc tịch Australia. TS. Thắng cho biết, nước Úc quan tâm tới biến đổi khí hậu từ lâu và có nhiều hành động thiết thực. Việc phát triển năng lượng tái tạo được tiến hành từ những năm 2000, nhưng đến năm 2015 mới tập trung làm mạnh. Nhờ đó, giá điện gió, điện Mặt trời giảm tới 80% trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ người dân sử dụng năng lượng tái tạo rất cao, trong nhóm đầu thế giới. "So với các công nghệ, giải pháp biến đổi khí hậu nhất, dùng năng lượng tái tạo giảm phát thải khí nhà kính rẻ nhất. Vì vậy, Úc tập trung vào ngành điện, dần thay thế năng lượng hoá thạch. Sau khi điện sạch rồi đến giao thông, xe điện. Sau là trồng rừng, canh tác nông nghiệp. Đó là 4 nấc thang trong phát thải. Tổng năng lượng tái tạo tại Úc hiện chiếm khoảng 30%, đến năm 2030 đặt mục tiêu chiếm tới 80%”, TS. Thắng nói.
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo cũng có nhiều bất cập. Ví như sản lượng điện gió đôi khi nhiều quá, dùng không hết. Trong khi đó, điện Mặt trời thì lúc cần, về ban đêm lại không dư dả. Vậy, giải pháp của Úc là gì?. Theo TS. Thắng, họ khuyến khích dùng điện vào buổi trưa, khi giá điện thấp. Đồng thời, phương án tính toán hoàn thiện, sử dụng hệ thống lưu trữ năng lượng, tập trung vào phát triển pin sẽ ngày càng được quan tâm hơn nhằm giảm giá thành pin. Đồng thời, Chính phủ có chính sách giảm giá xe điện, tăng thuế xăng dầu... Nói chung là tổng hòa các biện pháp để thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển, giảm phát thải khí nhà kính... Tất nhiên, các nhà tài phiệt than, dầu phản ứng rất gay gắt, thực sự là cuộc chiến khắc nghiệt. Đến nỗi, có Thủ tướng Australia từng bị mất chức, dù phải bỏ sau khi đưa ra thuế carbon được 2 năm. Trong khi đó, các cuộc biểu tình cũng diễn ra nhiều, cả năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, bởi liên quan đến việc làm. Rất may, thời gian gần đây đỡ hơn, vì đó là xu thế chung của thế giới.
Tiến sĩ Thắng cho biết, Úc rất thiếu nước, tình trạng khô hạn, cháy rừng là nỗi lo thường trực. Trước sự biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, El Nino hoành hành, nông nghiệp bị tác động rất mạnh, đến nỗi nhiều nông dân đổ xô đi bán cừu, bởi họ biết trước sắp tới tình trạng hạn hán sẽ mạnh hơn, nắng nóng dữ dội, khô cằn, nguồn thức ăn của cừu, bò sẽ bị khan hiếm. Không chỉ vậy, tình trạng thiếu nước tác động rất sâu rộng đến ngành nông nghiệp. Điều đó khiến Australia chú trọng hơn trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.
2. Chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo vệ giống và thực vật quốc gia tại Trường Đại học Western Sydney. GS. Yi-Chen Lan - Phó Hiệu trưởng và GS. Zhonghua Chen - Giám đốc Trung tâm, Trường Đại học Western Sydney nhiệt tình đón tiếp, giới thiệu cặn kẽ về hoạt động của Trung tâm, về tầm quan trọng của khoa học - công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Trung tâm được thành lập vào năm 2017, với mục đích nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Chính phủ Australia và nhà trường tài trợ mọi hoạt động của Trung tâm với mục đích nghiên cứu và đào tạo, nhất là việc hình thành hệ thống nhà kính trồng rất nhiều loại cây như dưa chuột, ngô, dâu tây...
Trung tâm Bảo vệ giống và thực vật quốc gia tại Trường Đại học Western Sydney.
GS. Zhonghua Chen cho biết, Trung tâm có 400m2 dự án liên quan đến nghiên cứu khả năng sinh sản, phát triển của dưa chuột, là nơi để các sinh viên từ bậc học thạc sĩ nghiên cứu, trực tiếp nuôi trồng, theo dõi. GS. Zhonghua Chen cho biết, giá thể trồng dưa được làm từ đá nhân tạo, có nguồn gốc từ núi lửa, nhập khẩu từ châu Âu (Hà Lan) cùng hệ thống dinh dưỡng, tưới nước tự động. Bên trong, những tấm phim màu hồng để tăng năng suất, hấp thụ ánh sáng Mặt trời tới 70%, giúp cây phát triển nhanh, nâng cao năng suất. Các kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao ứng dụng cả ở Australia và Việt Nam. Tính từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã được đầu tư 7,5 triệu đô la Úc (AUD), là trung tâm nhà kính số 1 của Australia, tất cả vì mục tiêu nông nghiệp xanh, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại Trung tâm cũng sử dụng hệ thống pin Mặt trời, làm mát bằng hơi nước, sử dụng điện tối đa vào giờ cao điểm nhằm tiết kiệm chi phí. "Trung tâm hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, từ năm 2017 đến nay đã ủng hộ gần 200 tấn rau, quả cho bà con trong vùng. Chúng tôi mong muốn chuyển giao công nghệ, giúp các công ty trong lĩnh vực phát triển”, GS. Zhonghua Chen cho biết.
3. Những ngày ngắn ngủi ở "xứ sở Kangaroo”, chỉ được đến Sydney và Canberra, bay qua nhiều cánh đồng, khu rừng, núi đồi nước Úc, không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh bởi màu vàng úa những khu rừng, cánh đồng dù nhìn từ trên cao, hay tận mắt chứng kiến.
Khô cằn, thiếu nước khiến nông nghiệp Australia bị đe dọa thường xuyên.
Biến đổi khí hậu càng gây khó cho mùa màng, đe dọa không chỉ ngành nông nghiệp "đất nước chuột túi”, mà còn là nỗi ám ảnh cháy rừng thường trực hằng năm. Nhưng con người không thể dễ dàng đầu hàng thiên nhiên, dù có bất thường đến mấy đi nữa. Chỉ có điều, sự khuất phục thiên nhiên ngày càng phải căn cơ, gốc rễ, hài hòa, hợp lý hơn, chứ không chỉ theo ý chí chủ quan của con người. Những gì ít ỏi chúng tôi đã chứng kiến, đã trực tiếp chuyện trò đủ thấy người Úc đổi thay, thích ứng như thế nào để dày công nghiên cứu nhằm thích ứng, tồn tại, hài hòa với thiên nhiên, tránh những sự cuồng phong dữ dội ập lên đầu nhân loại.
Thích ứng với biến đổi khí hậu, không để tình trạng Trái đất nóng lên mất kiểm soát, không phải chỉ là câu chuyện của riêng nước Úc, của những nước phát triển, mà cần sự đòi hỏi chung tay của cả thế giới. Bằng những hành động rất thiết thực, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất có thể, chứ không phải chỉ là những câu khẩu hiệu, sự hô hào viển vông.
Nguyễn Tri Thức