Nắng nóng gay gắt cũng đến sớm hơn ở miền Bắc và những ngày qua, các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Hoà Bình đã phải chịu thiệt hại bởi giông lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh gây hư hỏng nhà cửa, hoa màu, cây lâu năm, thiệt hại về chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản...
Biến đổi khí hậu đã khiến thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, trái quy luật và khó đoán định, sức tàn phá lớn, cũng vì thế đã gây nhiều thiệt hại, hệ lụy cho phát triển KT-XH, môi trường sinh thái. Đối với tỉnh Hoà Bình, chỉ tính trong năm 2023, do ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các đợt mưa lũ lớn bất thường đã gây thiệt hại về người, sản xuất và cơ sở hạ tầng. Năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 đợt nắng nóng diện rộng và nhiều ngày nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt; 12 đợt mưa lớn diện rộng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai trong tỉnh khoảng trên 129 tỷ đồng.
Năm 2024, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của El Nino trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa Hè. Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Mùa lũ ở Bắc Bộ (trong đó có tỉnh Hòa Bình) ít có khả năng đến sớm, dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà có thể thiếu hụt 30 - 40% so với trung bình nhiều năm; nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước.
Tuy có khả năng đến muộn, song theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong nửa cuối năm 2024, khả năng bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp; mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều.
Thực tế cho thấy, thách thức lớn hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, không đủ khả năng chống chịu với lũ lụt, bão lớn và hạn hán… Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi và giao thông ở nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng. Thiên tai ảnh hưởng đến nguồn sinh kế và tài sản của người dân, khiến cho các hộ bị ảnh hưởng khó phục hồi, nhất là đối với hộ nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Do vậy, nhằm giảm tác động của thiên tai đến phát triển KT-XH, chủ động ứng phó với diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất thiết cần sự chung sức của cộng đồng xã hội. Trong đó, ý thức trách nhiệm của mỗi người, không chủ quan, lơ là với thiên tai là hết sức cần thiết. Việc phổ biến, truyền thông, nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến người dân, các cấp, các ngành cần được tăng cường hơn nữa.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương theo phương châm "bốn tại chỗ”. Tiến hành rà soát, thống kê cụ thể các điểm xung yếu, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn để chủ động phương án ứng phó và có kế hoạch thiết lập hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân được biết. Đối với các khu vực đã xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc vùng mới di dân tái định cư thì thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hiện tượng bất thường để chủ động phòng tránh, sẵn sàng phương án di dời người dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản...
Rà soát, tổ chức lực lượng chuyên trách về công tác PCTT cấp huyện. Đối với cấp xã và thôn xóm, tổ chức phổ biến, tập huấn cho các đội xung kích PCTT cấp xã ứng trực, quan sát, kịp thời cảnh báo các sự cố thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, khẩn trương thông báo, giúp đỡ các hộ trong vùng nguy hiểm để phòng tránh và khắc phục hậu quả. Các địa phương đặc biệt chú trọng trong công tác chỉ đạo, rà soát nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã…
Đối với phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, UBND tỉnh yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước… Vận hành hiệu quả hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất - kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương tích cực nạo vét kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông, suối xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước để triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp…
Nếu có sự chủ động, chung tay ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai sẽ góp phần tạo lực đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội.
Bình Giang