Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay là thời kỳ cao điểm mưa lũ ở miền Bắc, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Thượng lưu sông Đà có khả năng xuất hiện các đợt nước lên, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng vùng trũng thấp. Kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: dông lốc, mưa đá, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu. Vì vậy, các địa phương cần chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của người dân.
Để đảm bảo an toàn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thị trấn Bo, huyện Kim Bôi chỉ đạo lực lượng xung kích tại địa bàn cắm cảnh báo, dựng barietại khu vực ngầm Bo khi nước dâng cao, chảy xiết. (Ảnh chụp trung tuần tháng 6/2024).
Ngầm Bo là 1 trong 3 ngầm tràn lớn nằm trên địa bàn thị trấn Bo, huyện Kim Bôi. Nơi đây cũng là một trong những điểm "tử thần” khi có mưa lớn bởi lưu lượng nước chảy qua dâng cao gấp nhiều lần ngày thường, khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn, thậm chí không thể di chuyển qua. Đồng chí Bùi Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bo cho biết: Mùa mưa lũ, nhiều ngầm trên địa bàn thị trấn có lượng nước đổ về lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Ban Chỉ huy (BCH) phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (TKCN&PTDS) thị trấn đã chỉ đạo các đội xung kích PCTT tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra các ngầm tràn, thiết lập hệ thống cảnh báo, barie chắn, thông báo trên loa phát thanh để tuyên truyền, thông tin cho người dân biết và phòng tránh, tuyệt đối không đi qua ngầm tràn khi mực nước dâng cao, chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 66 ngầm tràn trên các tuyến đường tỉnh, ngoài ra còn rất nhiều ngầm tràn qua các sông, suối nhỏ… Để chủ động ứng phó với các tình huống khi xảy ra mưa bão, BCH PCTT,TKCN&PTDS tỉnh đã xây dựng kế hoạch và các phương án PCTT, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn. Yêu cầu các địa phương rà soát các điểm giao thông bị ngập úng, có nước chảy xiết, điểm có nguy cơ sạt lở đất phải cắm biển cảnh báo. Bố trí người canh gác 24/24h tại các vị trí nguy hiểm.
Ngoài các ngầm tràn, trên địa bàn tỉnh có 8 điểm xung yếu về đê điều; 48 hồ chứa thuỷ lợi mất an toàn; 11 hồ chứa thủy điện có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du; 15 khu vực đường tỉnh nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt sâu, chia cắt khi xảy ra mưa lũ; 5 bến cảng, khu neo đậu tàu thuyền nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ; 9 hệ thống lưới điện nguy cơ bị sự cố khi xảy ra thiên tai; 5 hầm mỏ nguy cơ bị sự cố sạt lở khi xảy ra mưa lũ; 7 công trình tháp cao nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ.
Với phương châm "tập trung đảm bảo an toàn, tính mạng người dân, không để bị động, bất ngờ, chủ động ứng phó với thiên tai, lũ bão”, BCH PCTT,TKCN&PTDS tỉnh đã chủ động xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã; chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ PCTT, hạ tầng PCTT và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT. Theo đó, tỉnh đã xây dựng Đội xung kích PCTT cấp xã tại 151/151 xã, phường, thị trấn với 8.899 thành viên. Thực hiện các tuyến kè chống sạt lở bờ sông, suối đảm bảo an toàn cho đê điều, người dân và diện tích lúa, hoa màu, trong đó có các dự án như: kè bảo vệ 2 bờ sông Đà hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình; kè sạt lở và chỉnh trị sông Bôi, sông Bùi. Giải ngân nguồn kinh phí 130 tỷ đồng phân bổ cho 7 công trình, thực hiện khởi công thi công công trình hạ tầng PCTT. Xây dựng, duy trì 31 trạm đo mưa tự động đặt tại những khu vực trọng điểm tại 10 huyện, thành phố được tích hợp trên hệ thống thông tin quốc gia tại trang điện tử Vinarain.vn. Tiếp tục khai thác số liệu từ hơn 90 trạm đo mưa tự động trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Trang bị 1 hệ thống camera giám sát khu vực cửa nước ra lắp đặt tại khu vực hạ lưu đập thuỷ điện Hoà Bình để theo dõi diễn biến nước hồ thuỷ điện Hoà Bình khi xả lũ. Các sở, ngành, địa phương cũng đã dự trữ gần 5.000 chiếc phao tròn, hơn 6.500 phao áo, hơn 400 phao các loại; 284 nhà bạt; sẵn sàng huy động 7 xe cứu hộ, 44 tàu thuyền tìm kiếm cứu nạn, 106 xe ô tô các loại để thực hiện công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá, tình hình thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo và ngày càng cực đoan. Trong khi đó, tỉnh chưa có đánh giá tổng thể cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu về các vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, lũ ống, vùng thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai; hệ thống các công trình thuỷ lợi. Địa bàn xóm, thôn bị ảnh hưởng bởi thiên tai thường nằm ở vùng cao, sâu, xa khu vực trung tâm, đường sá, thông tin liên lạc còn nhiều khó khăn nên việc truyền tải thông tin thiên tai cũng như thiệt hại đến người dân còn chậm, gây áp lực không nhỏ trong công tác PCTT.
Trước thực tế đó, BCH PCTT,TKCN&PTDS tỉnh xác định triển khai quyết liệt nhiệm vụ PCTT, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "không để bị động, bất ngờ” và "4 tại chỗ”. Đồng chí Hoàng Đình Tráng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên, chủ động rà soát, xác định đầy đủ các khu vực trọng điểm, xung yếu; phân loại, đánh giá mức độ an toàn tất cả các hồ chứa trên địa bàn; xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, từng công trình; có phương án bố trí lực lượng và phân bổ kinh phí cụ thể, sát với thực tế, điều kiện từng địa phương; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện. Tiếp tục triển khai xây dựng các khu tái định cư cho nhân dân vùng thiên tai, đảm bảo nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và tạo nguồn sinh kế bền vững; lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, ngành, đơn vị đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Đẩy mạnh việc hướng dẫn lập kế hoạch PCTT ở cấp cơ sở. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động PCTT của toàn dân trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình, dự báo xu thế khí hậu tháng 7/2024, nhiệt độ trung bình tháng phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1,0 độ C (TBNN: 27,8 - 29,0 độ C). Tổng lượng mưa tháng phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN (TBNN: 303 - 349mm).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối 2/7, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.
Nhận định về các hình thái thời tiết trong tháng 7/2024, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Thị Chúc cho biết, trong tháng 7/2024, khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và có thể ảnh hưởng đến khu vực đất liền nước ta.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 1/7, nhiều khu vực nắng nóng với nhiệt độ có nơi trên 38 độ C; chiều tối và đêm có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 30/6, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Khu vực Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.
Trước mùa nắng nóng năm 2024, huyện Tân Lạc đã xây dựng các phương án về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ rừng, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng có thể xảy ra trong mùa nắng nóng.