UBND tỉnh vừa ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực tỉnh Hòa Bình.
Từ tháng 7 đến nay, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu tại nhiều nơi, thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa của người dân, công trình cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều văn bản đôn đốc triển khai quyết liệt đến các địa phương, sở, ban, ngành trong công tác ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.
Dự báo từ nay đến ngày 15/8/2024, tại Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 - 250 mm, có nơi trên 400 mm. Do vừa qua liên tục có mưa lớn kéo dài, đất đã bão hòa nước, nước trên các sông, suối đang ở mức cao nên khả năng cao sẽ xuất hiện lũ trên các sông, suối, đặc biệt nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, trung du và các vùng sườn dốc, ngập lụt sâu tại các khu vực thấp, trũng, đô thị. Tỉnh Hòa Bình nằm trong khu vực được dự báo có khả năng xảy ra mưa lớn trong thời gian tới.
Để chủ động ứng phó với đợt mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai; chủ động, phối hợp chặt chẽ, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tiếp tục triển khai thực hiện nội dung Công điện số 16/CĐ-UBND, ngày 05/8/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới; Công văn số 1330/UBND-KTN, ngày 11/8/2024 của UBND tỉnh về việc ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đề nghị các đồng chí Bí thư Thành ủy, Huyện ủy tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo phòng chống, ứng phó, khắc phục thiên tai và tiếp tục triển khai thực hiện nội dung Thông báo số 2232-TB/VPTU, ngày 01/8/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng chống thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất.
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Tiếp tục chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ngập sâu, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết di dời dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo "phương châm bốn tại chỗ", trong đó đặc biệt lưu ý công tác truyền thông, bảo đảm mọi người dân nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống. Chủ động huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách và các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai; trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để được hỗ trợ theo đúng quy định.
Chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình, theo nhiệm vụ được giao thực hiện vận hành, triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động…
- Sở NN&PTNT tổ chức trực ban 24/7 theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và chủ động đôn đốc các sở, ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao…Tiếp tục công tác chỉ đạo và bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đê kè đang thi công dở dang; bảo đảm an toàn tàu thuyền hoạt động thủy sản, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
- Sở Công Thương phối hợp các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện, hồ thủy điện; đôn đốc địa phương thực hiện các phương án ứng phó đảm bảo an toàn vùng hạ du các đập thủy điện; yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, khu vực hạ lưu đập thủy điện; tiếp tục phối hợp UBND thành phố và Công ty Thủy điện Hòa Bình trong công tác đảm bảo an toàn khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình.
- Sở GTVT chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt và những vị trí đã xảy ra sạt lở từ đợt mưa lũ trước để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất; việc triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông phải bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính; chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
- Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự và khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo công tác ANTT trước trong và sau thiên tai xảy ra.
- Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố: Kiểm tra, đánh giá mức độ tích nước của các hồ chứa; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của công trình, kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn đập, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập; vận hành các trạm bơm tiêu úng; xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý các sự cố phát sinh. - Đài Khí tượng Thủy văn Hòa Bình tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thiên tai, dự báo, thông tin kịp thời cho các bên có liên quan và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả.
- Các sở, ngành và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ và các tình huống bất thường gây ra theo phương châm "bốn tại chỗ". Chỉ đạo và hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện phương án ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản…
P.V (TH)
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 12/8, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu đang phát triển trên các quận nội thành Hà Nội như: Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có Công văn hoả tốc số 5877/BNN-ĐĐ ngày 12/8/2024 về việc đóng 2 cửa xả đáy hồ thuỷ điện Hoà Bình.
Triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, cục bộ có nơi trên 200 mm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 11/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to, với lượng mưa từ 60-120 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm. Chiều tối và đêm tại Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rào và dông, với lượng mưa từ 10-30 mm, có nơi trên 50 mm.