Làm nhà gần đồi núi khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thấp thỏm nỗi lo mất an toàn trong mùa mưa bão (Ảnh: Nhà dân tại xóm Cạn Thượng, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong bị đất đồi sạt trượt vào nhà).
Tại Đà Bắc - địa phương duy nhất của tỉnh còn nằm trong danh sách 74 huyện nghèo trên cả nước, nơi có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 90% dân số, ổn định dân cư vốn là bài toán khó suốt nhiều năm qua. Sau mỗi mùa mưa bão, nơi đây lại gồng mình chịu thêm nhiều áp lực. Kết quả rà soát trước mùa mưa năm 2024 cho thấy, toàn huyện có 15 điểm nguy cơ cao bị sạt lở đất, đá lăn với 757 hộ bị ảnh hưởng. Thực tế đến nay, mặc dù mùa mưa chưa kết thúc nhưng chỉ riêng cơn bão số 3 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ an toàn của các khu dân cư vùng đồi núi cao. Trong nỗ lực tái thiết cuộc sống sau mưa bão, nhiệm vụ được chú trọng hàng đầu là cấp bách di dời, bố trí chỗ ở cho các hộ nằm trong vùng có nguy cơ rất cao mất an toàn. Tuy nhiên, khó chồng khó, thực tế xuất hiện nhiều thách thức đối với nhiệm vụ sắp xếp, ổn định dân cư cho vùng DTTS&MN huyện Đà Bắc.
Được biết, thực hiện dự án 2 "Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết” thuộc chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, tỉnh đang thực hiện 5 dự án ổn định dân cư tập trung cho 168 hộ dân tại các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc. Trong đó, tại huyện Đà Bắc, thực hiện dự án ổn định dân cư tập trung tại xóm Duốc, xã Nánh Nghê nhằm hỗ trợ ổn định dân cư cho 50 hộ; dự án ổn định dân cư tập trung Lũng Phiệng thuộc xóm Mới, xã Đồng Chum nhằm hỗ trợ 43 hộ. Tại huyện Kim Bôi, thực hiện dự án ổn định dân cư tập trung tại xã Cuối Hạ để hỗ trợ 18 hộ; dự án ổn định dân cư tập trung tại xã Vĩnh Tiến hỗ trợ 22 hộ. Tại huyện Tân Lạc, dự án ổn định dân cư tập trung vùng thiên tai xã Vân Sơn triển khai các nội dung thiết thực để hỗ trợ ổn định dân cư cho 35 hộ. Quá trình thực hiện, các địa phương đã tổ chức đồng bộ giải pháp nhằm triển khai dự án đúng kế hoạch. Trong đó, chủ động bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo hình thức phù hợp nhằm đảm bảo cho người dân có đủ điều kiện an cư và sinh kế thuận lợi, từng bước nâng cao đời sống.
Theo Sở NN&PTNT, Hòa Bình là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến nhiều tình huống thiên tai nguy hiểm như sạt lở, lũ ống, lũ quét, gió lốc, đá lăn... Đặc biệt, thách thức rất lớn là thiếu quỹ đất để bố trí khu tái định cư tập trung. Xuất phát từ điều kiện thực tế, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện di dân tái định cư theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Vì không phải đầu tư các hạng mục phụ trợ như điện, nước, đường, nhà văn hóa… nên chi phí, quỹ đất để thực hiện bố trí dân cư theo hình thức xen ghép thấp hơn so với di dân theo hình thức tập trung.
Tuy nhiên, những năm gần đây, diễn biến thiên tai phức tạp với mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn đã dồn thêm nhiều thách thức cho nỗ lực sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư cho vùng DTTS&MN nói chung, vùng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai nói riêng. Chỉ tính riêng ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, toàn tỉnh đã phải khẩn cấp sơ tán 2.249 hộ dân. Đến nay, vẫn còn 321 hộ ở nơi sơ tán để đảm bảo an toàn. Theo kết quả rà soát, toàn tỉnh có 2.367 nhà bị ảnh hưởng và thiệt hại… Sau khi đánh giá tình hình, UBND tỉnh xác định mức độ cấp bách của việc bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai. Trên cơ sở đó, đã đề xuất bổ sung xây dựng 12 khu tái định cư tập trung, 8 điểm di dân xen ghép nhằm ổn định cuộc sống lâu dài cho 771 hộ dân… Hiện nay, UBND các huyện, thành phố bố trí quỹ đất và quy hoạch điểm dân cư để thực hiện công tác ổn định dân cư trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Đó là những nỗ lực đồng bộ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần huy động nhiều nguồn lực để từng bước ổn định dân cư vùng thiên tai, phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.
Khánh An
Phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội sáng sớm có sương mù nhẹ rải rác; ngày nắng. Nhiệt độ thấp nhất từ 22-25 độ C, vùng núi có nơi dưới 22 độ C.