Trong khi một số người cho rằng quản lý trò chơi trực tuyến cần phải chặt chẽ như quản lý ma túy hay thuốc lá vì nó gây nghiện, thì doanh nghiệp và game thủ lại nói, những quy định trong dự thảo lần thứ 7 Quy chế về quản lý trò chơi trực tuyến là quá chặt và khó thực hiện.
Không được chơi quá ba giờ/ngày
Quy chế về quản lý trò chơi trực tuyến được xây dựng suốt hai năm qua, nhằm thay thế Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 1-6-2006 giữa Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Công an. Hội thảo xây dựng Quy chế của Thủ tướng Chính phủ về quản lý trò chơi trực tuyến (online games) diễn ra hôm nay, 13-5 nhằm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo lần thứ bảy của quy chế này.
Theo dự thảo, trò chơi trực tuyến là trò chơi điện tử trên mạng Internet có sự tương tác giữa những người chơi thông qua thiết bị đầu cuối với hệ thống máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi. Với trò chơi này, người chơi không được vượt quá ba giờ/một trò chơi trong vòng 24 giờ.
Trò chơi trực tuyến đơn giản là trò chơi có sự giới hạn số lượng người chơi tham gia đồng thời một trò chơi, trong đó sự tương tác giữa các người chơi chỉ ở mức độ đơn giản, có nội dung kịch bản và theo các quy tắc đơn giản, không gây tác động tâm lý căng thẳng tới người chơi. Thí dụ như trò cờ tướng, ô ăn quan… Với những trò chơi này, doanh nghiệp được cung cấp 24/24h.
Riêng những trò chơi văn hóa, giáo dục gắn với giáo dục hoặc quảng bá văn hóa, phong cảnh, lịch sử dân tộc được khuyến khích hơn bằng việc cho chơi 4-5 giờ/trò chơi. Các quy định về giờ đóng mở cửa cung cấp dịch vụ game của đại lý Internet và khoảng cách từ đại lý đến trường học trong dự thảo vẫn áp dụng theo các quy định hiện hành.
Nghị định 97/2008/NÐ-CP đã giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố quy định giờ đóng mở cửa đại lý Internet. Nếu địa phương nào chưa ban hành quy định cụ thể thì các đại lý Internet không được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến sau 22 giờ đêm.
Trong giờ học (từ 8 giờ sáng đến 17 giờ hàng ngày), đại lý không được tiếp nhận game thủ mặc đồng phục học sinh phổ thông lớp 1 đến lớp 12.
Tranh luận về giờ chơi game
Việc giới hạn giờ giấc này nhận được nhiều ý kiến góp ý trái chiều. Ông Nguyễn Lâm Thanh (VTC Telecom) và ông Lê Hồng Minh (Vinagame) cùng các DN cung cấp dịch vụ game online khác đều cho rằng, rõ ràng chỉ có biện pháp kỹ thuật mới thực hiện được việc giới hạn 3 - 5 giờ, chứ không thể trông chờ chỉ vào ý thức người chơi. Nhưng như thế, người chơi sẽ đối phó bằng việc đổi từ trò này qua trò khác, và mục đích “tái tạo sức khỏe dành thời gian cho việc học tập, lao động” như mong muốn của nhà quản lý cũng chẳng thể đạt được.
Mặt khác, để thực hiện giới hạn kỹ thuật, kể cả cho thời gian mỗi trò chơi hay thời gian cung cấp dịch vụ 12 tiếng, DN phải áp dụng một quy trình không đơn giản.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, về quy định giới hạn thời gian là không hợp lý với đối tượng khách hàng trưởng thành vì đây là đối tượng chơi game rất nhiều và là đối tượng mà doanh nghiệp quan tâm nhât vì họ có khả năng chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với các game thủ, có ý kiến cho rằng việc quản lý chơi game đối với họ gần như không có tác dụng, nếu một game chỉ được chơi từ ba giờ đến năm giờ thì thay vì chơi một game họ chuyển sang chơi nhiều game.
Game thủ Bùi Xuân Lộc: “Nếu game nội hạn chế giờ chơi,
chúng tôi sẽ chuyển sang chơi game ngoại”.
Game thủ Bùi Xuân Lộc, một thành viên của cộng đồng game Hà Nội nói: “Việc giới hạn không cung cấp dịch vụ online từ 22h-8h sáng thực ra rất bất công với hàng nghìn game thủ như tôi. Chúng tôi cũng phải đi làm ngày tám tiếng. Tối về còn cơm nước con cái, 10 giờ chúng mới ngủ. Khi đó mới có thể online để chơi, thì lại không được cung cấp dịch vụ. Chúng tôi là khách hàng của các DN cung cấp game online Việt Nam như VTC Telecom, FPT, Vinagame… Nếu cấm, chúng tôi vẫn có nhu cầu chơi. Mà internet là môi trường mở, không biên giới. Khi đó thì phải sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài, lợi nhuận sẽ vào túi họ chứ không phải là các DN Việt Nam”.
Ngay như quy định khi đăng nhập vào trò chơi, người chơi phải cung cấp những thông tin về tên, tuổi, địa chỉ thường trú, số CMT hoặc số hộ chiếu của người chơi (trẻ em dưới 14 tuổi chưa có CMT hoặc hộ chiếu, thì người bảo lãnh phải cung cấp thông tin cá nhân của mình cho đại lý Internet), nhiều ý kiến cũng cho rằng sẽ rất khó thực hiện.
Có cần quản lý game như quản lý ma túy?
Theo thống kê của Sở TT-TT TP Hồ Chí Minh, năm 2010, có 5 triệu người chơi game trực tuyến, chủ yếu là thanh thiếu niên. Có 58 trò chơi trực tuyến và 14 đơn vị kinh doanh trò chơi trực tuyến.
Cụ thể hơn, 77% số game có hành vi mang tính bạo lực như đâm chém, bắn giết, 33% game có đối tượng bị đâm chém, bắn giết là con người, 37% game có góc độ nhập vai không rõ ràng, đâm chém, bắn giết không cần phân biệt tốt xấu.
|
Từ thực tế quản lý thị trường game online ở TP Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Sa, ở TT-TT TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải quản lý game online thật chặt chẽ. Theo ông Sa, game online có tác động rất nghiêm trọng tới sức khỏe, thời gian, tâm sinh lý của người chơi, nhất là người chơi trong độ tuổi thanh thiếu niên, vì thế, Sở TT-TT TP Hồ Chí Minh kiến nghị không khuyến khích game online, thậm chí phải hạn chế game online như hạn chế rượu, thuốc lá do tính chất gây nghiện của game online, cấm quảng cáo game online dưới mọi hình thức.
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo ông Sa, trong hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến cũng hạn chế nhập khẩu, tiến tới không nhập khẩu trò chơi trực tuyến. Cấm các trò chơi trực tuyến mang tính bạo lực, cờ bạc, khiêu dâm, gây nghiện, như cấm ma túy. Thẩm định để loại bỏ các trò chơi kiểu này đang phát hành.
Ông Trần Vĩnh Sa: “Cần cấm những game có hành vi bạo lực,
khiêu dâm… như cấm ma túy vì nó gây nghiện”.
Ông Trần Vĩnh Sa cũng đề nghị Bộ cho phép địa phương có quyền đình chỉ hoạt động của trò chơi trên địa bàn sau khi phát hiện trò chơi có tác dộng xấu đến xã hội như gây nghiện, học sinh bỏ học vì game, gây tội ác vì làm theo trò chơi…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho rằng, phát triển gắn với quản lý, quản lý không kìm hãm, cản trở sự phát triển, nhưng phát triển vô Chính phủ thì cần phải có biện pháp quản lý để tốt hơn. Việc xây dựng quy chế cũng cần tránh những quy định quá chặt khiến chính sách không thể đi vào cuộc sống, nói cách khác là khiến người dân bị trở thành vi phạm.
Thời gian qua, có rất nhiều học sinh, sinh viên quá say mê, không điều chỉnh được hành vi của mình, quên ăn, quên học, chơi thâu đêm suốt sáng… Quy định này để điều chỉnh những đối tượng không có nhận thức đúng ngưỡng cho phép. Đối với những người chơi quá thời hạn cho phép không phải là đối tượng điều chỉnh thì cũng cần phải xem xét kỹ hơn trong nội dung quy định.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết, dự kiến chậm nhất cuối tháng 6, Dự thảo Quyết định Ban hành Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến và Quy chế về quản lý trò chơi trực tuyến sẽ được Bộ TT-TT trình Chính phủ.
Theo Báo Nhandan
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Lockheed Martin Commercial Space Systems (Mỹ) ngày 11/5 đã tiến hành ký kết hợp đồng gói thầu số 2 “Cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng” thuộc dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Tokyo cho biết họ đã phát hiện một loại vi khuẩn đường ruột ký sinh trong mô lypmpho gắn với ruột.
Ban tổ chức Giải thưởng năng lượng toàn cầu 2009 vừa chính thức thông báo Việt Nam được trao giải với dự án "Xây dựng mô hình lò nung gạch gốm liên tục bốn buồng sử dụng công nghệ khí hóa trấu".
Triển lãm Chiến dịch “Nói không với các sản phẩm động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng” gồm có 16 bức tranh về một số loài thường hay bị săn bắt và buôn bán trái phép nhất, bao gồm Hổ, Gấu, Voi, Tê giác, Rùa biển, và Tê tê vừa được khai trương hôm nay, 11-5 tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Những lo ngại về môi trường sống ngày càng bị thu hẹp và tính mạng luôn bị đe dọa của loài tê giác Javan ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên đã trở thành sự thật. Ngày 29/4, xác 1 con tê giác Javan được tìm thấy bởi những người đi rừng trong tình trạng chiếc sừng đã bị cắt đi.
Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và IDC vừa có bản báo cáo về tình trạng vi phạm bản quyền phần trên toàn cầu trong năm 2009. Theo đó, BSA cho rằng vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam vẫn giữ ở mức 85%, bằng với năm 2007 và 2008.