Nông dân huyện Kim Bôi thực hiện kiên cố hóa kênh mương, nâng cao hiệu quả dẫn nước về đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
(HBĐT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Hòa Bình, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đo được khoảng 1.600 mm, đạt xấp xỉ 80% tổng lượng mưa trung bình cùng kỳ nhiều năm, lượng mưa còn lại các tháng cuối năm khoảng 400 mm. Trước dự báo khô hạn có thể xảy ra trong vụ đông xuân 2011 – 2012 dẫn đến tình trạng thiếu nước trên diện rộng, ngành NN&PTNT đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho vụ sản xuất quan trọng này.
Mới đây, Sở NN&PTNT đã có Công văn số 907 về việc triển khai chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt II và chủ động điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2011 – 2012. Trong đó nhấn mạnh: Để chủ động đảm bảo đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố và Công ty Khai thác công trình thủy lợi chỉ đạo thực hiện việc sử dụng tiết kiệm nước, đánh giá khả năng cung cấp nước và xây dựng phương án chống hạn vụ đông xuân 2011 – 2012, đồng thời khẩn trương phát động chiến dịch toàn dân làm thủy lợi nội đồng đợt II năm 2011 vào tháng 11 này.
Đánh giá khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất của hệ thống hồ chứa nước hiện nay, ông Trần Kim Phàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Lượng mưa tuy thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng rải đều trên địa bàn tỉnh, khá thuận lợi cho việc tích nước phục vụ sản xuất. Hiện, các công trình hồ chứa về cơ bản đã tích nước đạt xấp xỉ dung tích thiết kế. Tuy nhiên, có vài chục công trình đang sửa chữa (với khả năng cung ứng nước cho 1.000 – 1.200 ha) nên chưa thể tích nước hoặc chưa tích đủ nước. Hiện trạng này sẽ gây khó khăn trong việc cung cấp nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có trên 1.770 công trình thủy lợi. Trong đó, 1.285 công trình đã được xây dựng kiên cố, bao gồm 521 hồ chứa nước, 643 đập dâng, 43 trạm thủy luân, 59 trạm bơm điện và 19 trạm thủy điện. Hệ thống này có khả năng cung ứng nước cho khoảng 60 – 70% diện tích gieo cấy toàn tỉnh. Tuy nhiên vấn đề là nhiều công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không ít công trình không còn khả năng phục vụ tưới. Trong điều kiện thời tiết tốt, có khoảng 1.200 công trình có khả năng vận hành bình thường. Đặc biệt, trong hơn 500 hồ chứa nước thì chỉ một số là có nguồn sinh thủy do rừng đầu nguồn được bảo vệ, còn lại hầu như nguồn nước phụ thuộc vào trời mưa. Nhìn chung, các hồ chứa phần lớn là hồ nhỏ, dung tích khoảng 5 – 30 vạn m3 nước, khả năng tưới nội vùng khá tốt nhưng hầu hết được xây dựng từ quá lâu, đến nay đã xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp. Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi từ đầu mối đến kênh mương, nhằm kịp thời phát hiện những hư hỏng, ẩn họa. Đối với những hư hỏng nhỏ sẽ tiến hành khắc phục ngay. Những hư hỏng lớn ngoài khả năng của địa phương thì báo cáo cơ quan chức năng để có kế hoạch sửa chữa.
Vụ đông xuân 2011 – 2012 đang có những khởi đầu khá chật vật khi tiến độ sản xuất vụ đông 2011 bị “hụt” khá dài so với mọi năm. Đến cuối tháng 10, toàn tỉnh mới gieo trồng được khoảng 2.500 ha các loại cây vụ đông trong khi kế hoạch đề ra cần đạt khoảng 9.000 ha tổng diện tích toàn vụ. Cùng với áp lực về thời vụ gieo trồng, vấn đề điều tiết nước và khai thác hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi càng trở nên cấp bách. Qua phản ánh của các địa phương, do thu hoạch vụ mùa muộn nên Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt II năm nay cũng phải triển khai muộn hơn so với mọi năm. Hầu hết các huyện, thành phố đều dự kiến thực hiện vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 trong khi mọi năm thường thực hiện từ cuối tháng 10, đầu tháng 11. Được biết, theo kế hoạch, trong chiến dịch đợt này toàn tỉnh sẽ thực hiện đào đắp 307.000 m3 đất, xây kè 10.500 m3 đá, phát dọn 1.400.000 m2 kênh mương, mái đập, huy động khoảng 335.000 ngày công, tổng kinh phí thực hiện khoảng 15,075 tỷ đồng.
Ông Trần Bảo Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Sản xuất vụ đông xuân năm nay sẽ có nhiều khó khăn, nhưng là khó khăn chung của các tỉnh trong khu vực Bắc Bộ chứ không riêng tại tỉnh ta. Do đó, các địa phương cần xác định rõ thách thức để chủ động triển khai kế hoạch đề ra. Trước mắt, cần chú trọng quản lý tốt vấn đề nước tưới trên cơ sở điều tiết nước hợp lý, hiệu quả. Giải quyết tốt vấn đề nước tưới nghĩa là chúng ta đã có một phần thắng lợi của vụ đông xuân 2011 - 2012./.
Thu Trang
Trước 1 ngày theo lịch tuyên bố “phá hủy” Facebook, nhóm tin tặc Anonymous lên tiếng thông tin đe dọa trên hoàn toàn không có thật mà là do một thành viên của nhóm tuyên bố, không được sự ủng hộ từ các thành viên khác.
(HBĐT) - Trước những năm 60, 70 của thế kỷ 20, xóm Xăm Pà, xã Nà Mèo (Mai Châu) đang ở bây giờ là khu rừng nguyên sinh, chủ yếu là cây trò chỉ, sến, trai, nghiến và nhiều loại cây thuốc, động vật quý hiếm. Nhưng do nhận thức của một thời khai phá rừng, đất rừng không hợp lý, lấy đất để trồng lúa nương, ngô, sắn, làm ruộng bậc thang để cấy lúa nước, cây gỗ chặt hạ theo chỉ tiêu khai thác giao hàng năm của Nhà nước dẫn đến hệ sinh thái rừng thay đổi.
Theo AFP, tàu vụ trũ chở hàng Tiến bộ M-13M của Nga ngày 2/11 đã lắp ghép an toàn với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), hoàn thành sứ mệnh đầu tiên kể từ khi tàu vũ trụ Tiến bộ M-12M bị rơi gây ra những hoài nghi về chương trình vũ trụ của nước này.
Thiết bị xử lý nước Taprogge Terrawater áp dụng công nghệ xử lý nước không có hóa chất vừa được thử nghiệm thành công tại vùng biển TP.Hồ Chí Minh.
Trái với một số ý kiến cho rằng không nên thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vì tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác tài nguyên nước đã phải nộp thuế tài nguyên, phí, lệ phí khi xin cấp giấy phép khai thác, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng Bộ Tài nguyên&Môi trường cho rằng, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng phải đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lưỡi áp cao lạnh lục địa chi phối thời tiết các tỉnh miền Bắc tiếp tục suy yếu và di chuyển ra phía đông.