Do tuyến đường dân sinh vào  Đậu Khụ đã xuống cấp nên việc thi công  công trình điện gặp nhiều khó khăn.

Do tuyến đường dân sinh vào Đậu Khụ đã xuống cấp nên việc thi công công trình điện gặp nhiều khó khăn.

(HBĐT) - Hết địa phận xóm Đồng Chụa cũng là phần cuối cùng của tuyến đường nhựa của xã Thống Nhất (TPHB), chúng tôi bắt đầu chật vật trên đoạn đường vào xóm Đậu Khụ. Tuyến đường chưa đầy 3 km mà phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm xóm bởi tuyến đường dân sinh được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 1997 đã xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

 

Nhiều đoạn lầy thụt phải nhờ các bác, các chị đi làm nương đẩy giúp xe máy chúng tôi mới vượt qua nổi. Ngay cả thi công đường điện vào xóm, thiết bị cơ giới cũng bó tay, lực lượng lao động của nhà thầu cũng phải dùng tời và bánh lốp với hàng chục người kéo mới đưa được cột điện và thiết bị vào thi công.

 

Tuy không hẹn trước nhưng chúng tôi đã gặp được đủ đại diện 18 hộ của xóm Đậu Khụ khi họ tụ họp tại nhà văn hóa xóm để bình xét hộ nghèo năm 2011. Đến thời điểm này, không ai nhớ xóm Đậu Khụ được hình thành từ bao giờ nhưng chỉ cần lấy tuổi của Trưởng xóm Triệu Đức Lợi, người sinh ra ở đây để làm mốc thì các hộ người Dao, người Mường về đây định cư đã được 47 năm. Đến năm 1997, Đậu Khụ được làm đường dân sinh. Cũng từng ấy năm, khi đêm về, người dân Đậu Khụ sống trong ánh sáng bập bùng bên bếp lửa, họ luôn khao khát bản làng có điện lưới quốc gia. Có đường, cuộc sống của người dân Đậu Khụ cũng phần nào được mở mang. Nhưng địa hình đồi núi nên chỉ sau vài năm tuyến đường đã hư hỏng. Dù nỗ lực đến mấy, công sức, tiền của các hộ trong xóm đóng góp cũng chỉ đào đắp, san lấp để đi tạm. Giờ đây, chỉ cần một cơn mưa nhỏ muốn xuống xã, ra tỉnh, người dân Đậu Khụ chỉ còn cách đi bộ.

 

Đường vào Đậu Khụ chưa đầy 3 km, phải đi qua 6 con suối nhưng mới chỉ xây dựng được 3 ngầm tràn liên hợp. Toàn bộ học sinh của Đậu Khụ đều theo học các trường ở xã và thành phố nên khi có mưa lũ là các em học sinh THPT phải luồn đồi đến trường, còn học sinh từ mầm non, tiểu học đến THCS đành phải nghỉ học. Xa trường, xa lớp, đi lại khó khăn nhưng các bậc phụ huynh ở Đậu Khụ luôn quan tâm đến việc học hành của con cái. Bình quân mỗi tháng, các hộ chi phí khoảng 500.000 đồng tiền xăng để đưa đón con đi học. Các em học sinh ở Đậu Khụ cũng không phụ lòng cha mẹ, nhiều năm qua không có em nào bỏ học và cả xóm hiện có 4 em đã, đang theo học tại các trường đại học.

 

Đường sá xuống cấp nghiêm trọng, nhất là khi có mưa lũ, những gia đình có người ốm nặng, sinh nở  cũng gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt, tuyến đường vào xóm xuống cấp đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Cả xóm có 18 hộ nhưng đã có tới 7 ha mía, 13 ha ngô, 5 ha xả, 30 ha luồng, 50 ha bương, bình quân mỗi hộ có từ 2 - 3 con lợn, hộ ít cũng có từ 30-40 con gà, hộ nhiều nuôi tới hơn 100 con nhưng mới chỉ có 4 hộ có nhà xây kiên cố. Bà Bùi Thị Xuyến, người dân xóm Đậu Khụ giải thích: Đường hỏng, xe ôtô, công nông không vào được, làm ra hạt ngô, trồng được cây mía, củ xả, cây luồng, cây bương cũng không biết bán cho ai. Mặc dù có tiềm năng về đất đai, người dân cần cù lao động nhưng do hạn chế về lưu thông hàng hóa nên đến nay, mức thu nhập bình quân ở Đậu Khụ mới chỉ đạt 8 triệu đồng /người/năm và còn 4 hộ nghèo, còn lại đều là hộ cận nghèo, trong khi mức thu nhập bình quân của thành phố Hòa Bình ước đạt 14, 7 triệu đồng/năm.

 

Dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân Đậu Khụ không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Các hộ đã đóng góp hơn 9 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm trị giá trên 21 triệu đồng. Hàng năm, dân cư đều hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động do xã, thành phố phát động. Tạm xa Đậu Khụ, dù biết Tết Nhâm Thìn 2012 ở Đậu Khụ sẽ có điện lưới quốc gia nhưng chúng tôi vẫn trăn trở day dứt trước cuộc sống nghèo khó của gần 70 nhân khẩu ở một xóm nhỏ của thành phố Hòa Bình.

 

                                                                      Đức Phượng

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván ghép thanh bằng tre tại xã Chiềng Châu

(HBĐT) - Ngày 14/12, tại xã Chiềng Châu (Mai Châu), Trung tâm Khuyến công & TVPT Công nghiệp tỉnh phối hợp với Công ty TNHH MTV Hồng Thắng tổ chức hội thảo giới thiệu và nhân rộng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván ghép thanh bằng tre. Tham dự có đại diện Sở Công thương, UBND huyện Mai Châu, xã vùng dự án, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh, một số doanh nghiệp kinh doanh và chế biến gỗ, tre, luồng trong tỉnh, các đối tác kinh tế của Công ty TNHH MTV Hồng Thắng.

100% xã, phường, thị trấn có dịch vụ điện thoại

(HBĐT) - Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có dịch vụ điện thoại, 100% trung tâm các huyện có dịch vụ internet băng thông rộng, 90% số xã có cáp quang đến trung tâm xã.

"Bom chùm" - phương pháp mới điều trị bệnh ung thư

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tel Aviv của Israel đã phát triển thành công một kỹ thuật mới cho phép tiêu diệt các tế bào ung thư từ bên trong khối u.

CERN phát hiện sự tồn tại của hạt nguyên tử Higgs

Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) cho biết họ đã đạt được một bước tiến lớn trong việc phát hiện ra một loại hạt nguyên tử được cho là hạt nhân hình thành mọi thứ trong vũ trụ.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong công tác an toàn - vệ sinh lao động

(HBĐT) - Ông Đặng Văn Thành ở phường Đồng Tiến (TPHB) hỏi: Đề nghị cho biết trách nhiệm của người sử dụng lao động trong công tác an toàn - vệ sinh lao động?

Cứ hai ngày lại phát hiện thêm một loài mới tại khu vực sông Mê Công

Cứ hai ngày, các nhà khoa học lại phát hiện ra một loài sinh vật mới ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, một báo cáo của Quỹ Bảo tồn động vật thiên nhiên hoang dã (WWF) cho biết, trong đó có cả những loài động vật quý hiếm như một loài chim chích ăn lá mới hay một loài nhông cát trinh sản toàn giống cái có khả năng tự sinh sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục