Philippines từng tới rất gần mục tiêu là nước đầu tiên tại Đông Nam Á sản xuất điện nguyên tử, song thảm họa Chernobyl và Fukushima khiến cơ sở hạt nhân của họ giờ đây chỉ có thể trở thành điểm du lịch mà thôi.
Cảnh tượng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bataan bên bờ vịnh Manila vào năm 1984. Ảnh: globalbalita.com. |
Nhà máy điện hạt nhân Bataan nằm cách thủ đô của Philippines khoảng 100 km về phía tây qua vịnh Manila. Được khởi công vào năm 1976 và xây xong vào năm 1984 trên mũi bán đảo Bataan, lẽ ra nó đã trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động tại Đông Nam Á.
Vào năm 1979, một tai nạn xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile của Mỹ khiến dư luận lo ngại về sự an toàn của năng lượng nguyên tử. Tổng thống Philippines thời đó là Ferdinand Marcos ra lệnh thành lập một ủy ban chuyên gia để đánh giá tình hình. Ủy ban này kết luận nhà máy không an toàn vì nằm gần một núi lửa hoạt động và các đới đứt gãy có thể gây động đất.
Bất chấp cảnh báo của ủy ban chuyên gia, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Philippines, cơ quan sở hữu nhà máy, vẫn quyết tâm biến giấc mơ điện hạt nhân trở thành sự thật. Uranium được một chiếc Boeing 747 vận chuyển từ Mỹ, đã được đưa vào nhà máy. Vào năm 1986, những người quản lý nhà máy đã sẵn sàng thực hiện công đoạn cuối cùng: đưa các thanh nhiên liệu uranium vào các lò phản ứng hạt nhân.
Nhưng hai sự kiện quan trọng xảy ra vào năm 1986: Thảm họa tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl tại Ukraina và nhà độc tài Marcos bị lật đổ. Các thanh sát viên quốc tế, đến kiểm tra nhà máy này sau khi Marcos ra đi, kết luận rằng nó không an toàn. Vì thế chính phủ mới của Philippines thời đó quyết định đóng cửa nhà máy.
Hơn hai thập kỷ sau những người ủng hộ năng lượng hạt nhân liên tục vận động để chính phủ cho phép nhà máy Bataan hoạt động. Vào đầu năm 2011, khi những nỗ lực của họ sắp “đơm hoa kết trái” thì cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima I ở Nhật Bản nổ ra.
“Lẽ ra chúng tôi có thể trở thành nước đầu tiên tại châu Á có nhà máy điện hạt nhân, song chúng tôi đã không thể thực hiện điều đó. Cứ mỗi lần cơ hội tới thì tai họa lại xảy ra. Chúng tôi không cần thuê chuyên gia hạt nhân, mà chỉ cần thầy phong thủy để xua đuổi vận xui”, Mauro Marcelo, một kỹ sư hạt nhân của Tập đoàn Điện lực Quốc gia.
Số phận của nhà máy điện hạt nhân Bataan gắn liền với các sự kiện hạt nhân trên thế giới và biến động trong chính trường Philippines. Ảnh: arkibongbayan.org. |
Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Nhật Bản, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Philippines quyết định biến nhà máy thành một điểm du lịch. Nhà máy, nơi chưa bao giờ sản xuất điện, giờ đây đang tạo ra doanh thu nhờ những dòng du khách từ Philippines và các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản. Dennis Gana, người phát ngôn của nhà máy, cho biết những chuyến tham quan phải được đăng ký trước vài tháng. Uranium trong nhà máy đã được bán hết vào năm 1997 nên du khách có thể yên tâm về mức độ an toàn.
Những người yêu mến nhà máy Bataan tỏ ra phấn khởi trước sự thành công đáng kinh ngạc của dự án du lịch. Giờ đây họ có thể nói với du khách rằng nhà máy thực sự cần thiết đối với Philippines, một trong những nước có giá bán điện cao nhất châu Á do phần lớn điện được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu.
Họ khẳng định rằng Philippines, quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á quan tâm tới điện hạt nhân, giờ đây nằm giữa nhiều nước – như Việt Nam và Malaysia – đang chấp nhận điện hạt nhân. Do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn, Philippines có thể tụt lại phía sau so với các nước láng giềng.
Diện mạo của nhà máy Bataan hầu như không thay đổi từ khi công ty Westinghouse hoàn thành việc xây nó vào năm 1986. Trong phòng điều khiển trung tâm người ta thấy một điện thoại màu xanh dương. Đó là đường dây nóng tới văn phòng của tổng thống.
Đội ngũ nhân viên bảo quản nhà máy đảm nhiệm công việc dẫn du khách qua một mê cung được tạo nên bởi những bức tường xi măng dày và cửa sắt. Điểm cuối của mê cung là lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ. Từ một cầu sắt phía trên lò phản ứng, du khách cảm thấy họ có thể chạm vào lò.
“Đây là nơi duy nhất trên thế giới mà bạn có thể bước vào tòa nhà chứa lò phản ứng hạt nhân và chiêm ngưỡng lò thật”, Reynaldo Punzalan, một kỹ thuật viên làm việc tại nhà máy từ khi nó chưa được xây dựng. Giờ đây Punzalan quản lý một đội bảo quản gồm 20 người.
Đối với Punzalan, dẫn khách du lịch giúp ông thoát khỏi chu trình làm việc nhàm chán trong hơn một phần tư thế kỷ qua: kiểm tra toàn bộ nhà máy, thay thế các turbine hơi nước hàng tháng và tự đặt câu hỏi về khả năng chính phủ cho phép nhà máy hoạt động. Ngoài bảo vệ nhà máy, những người lính gác cũng chỉ có hai thú vui: vặt xoài và giết những con dê hoang để nướng thịt. Nhưng giờ đây những binh sĩ có thêm nhiệm vụ nữa: giao tiếp với du khách.
Đối với Marcelo, 59 tuổi, học kỹ thuật hạt nhân trong trường đại học dường như là thứ thú vị nhất trong đời. Nhưng giấc mơ xây dựng nhà máy điện hạt nhân của ông đã hình thành từ thập niên 50 do ảnh hưởng từ chương trình Hạt nhân phục vụ hòa bình của Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower. Vào những năm đầu thập niên 60, chính phủ Mỹ tặng Philippines một lò phản ứng hạt nhân được thiết kế để phục vụ hoạt động nghiên cứu.
Số phận của nhà máy điện hạt nhân Bataan cũng gắn liền với tình trạng thất thường của nền chính trị Philippines, cụ thể là sự ganh đua giữa Marcos và Aquino – hai gia tộc có ảnh hưởng lớn tới chính trường Philippines trong suốt 4 thập kỷ qua. Nhiều người phản đối nhà máy Bataan vì nó là ý tưởng của Ferdinand Marcos, nhà độc tài từng cầm quyền tại Philippines khá lâu và được Mỹ ủng hộ.
Theo tính toán ban đầu thì chi phí xây dựng nhà máy là 1,2 tỷ USD. Song cuối cùng con số đó vọt lên tới 2,3 tỷ USD. Nhiều người tin rằng một phần số tiền chui vào túi của gia đình cựu tổng thống Marcos và những người bạn của ông ta. Nữ tổng thống Corazon C. Aquino, người lật đổ Marcos trong cuộc cách mạng “sức mạnh nhân dân”, đã quyết định hoãn khởi động nhà máy Bataan sau thảm họa Chernobyl. Ông Benigno S. Aquino III, con trai của bà Aquino và là đương kim tổng thống, cũng tuyên bố ông không tán thành ý tưởng khôi phục hoạt động của nhà máy.
Mới đây hàng chục du khách Nhật Bản đã đặt hàng loạt câu hỏi về an toàn hạt nhân với ông Punzalan. Fumie Shutoh, một du khách 59 tuổi, nói bà tham quan nhà máy Bataan để tự học về năng lượng hạt nhân.
“Do sự cố Fukushima I, tôi cảm thấy tôi không thể tin những thông tin về năng lượng hạt nhân mà chính phủ cung cấp”, bà Shutoh nói.
Sau khi chiếc xe buýt chở đoàn khách rời khỏi nhà máy, ông Punzalan, người đã từ bỏ hy vọng thấy nhà máy hoạt động trước khi nghỉ hưu, bình luận: “Họ là một đám đông khó tính”.
Theo VnExpress
Mặc dù Nokia bắt tay với Microsoft để sản xuất điện thoại Windows Phone, nhưng điều này cũng không ngăn cản các “vọc sĩ” mang nền tảng Android Ice Cream Sandwich mới nhất của Google đến với smartphone của Nokia, cụ thể là N9.
Tuy được xem là thời điểm chín muồi để phát triển công nghiệp nội dung số khi Việt Nam có hạ tầng viễn thông, nhân lực tốt, thiết bị đầu cuối (smartphone), máy tính bảng tăng trưởng nhanh, song thực tế rất hiếm các đơn vị có sản phẩm nội dung “đủ tầm.”
Tập đoàn Kodak đã chính thức công bố việc ngừng sản xuất máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, khung hình kỹ thuật số cũng như việc loại bỏ dần các sản phẩm vào giữa năm nay.
(HBĐT) - Sau hơn 3 năm chính thức đi vào hoạt động độc lập theo chủ trương chia tách Bưu chính Viễn thông, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã tiếp tục khẳng định được vị trí, nâng cao uy tín và thương hiệu của ngành Bưu điện, sẵn sàng hội nhập và phát triển trong thời kỳ mới.
Ngày 7/2/2012, nhóm tác giả đến từ Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, Trường Đại học FPT đã giành giải thưởng cao nhất Cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Châu Âu (EADS) tổ chức.
Ngày 8-2, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Cục An ninh thông tin và internet Hàn Quốc (KISA) đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong 4 lĩnh vực: chia sẻ, trao đổi về chính sách phát triển dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) của mỗi nước; thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Hàn Quốc; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực GD-ĐT nhân lực CNTT, đặc biệt về an ninh thông tin; phối hợp tổ chức các hội thảo, diễn đàn nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển CNTT.