0,93 ha lúa vụ chiêm - xuân năm 2012 của nhân dân xóm Mỗ 2 đã bị đất đá vùi lấp, mất trắng hoàn toàn.
(HBĐT) - Năm 2007, Công ty TNHH Phú Sơn Hà được cấp phép thăm dò và khai thác quặng sắt tại xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh (Cao Phong). Sau 5 năm, việc thăm dò và khai thác quặng sắt đã gây ra nhiều tác động tiêu cực cho địa phương như vùi lấp diện tích đất canh tác của nhân dân xóm Mỗ 2, vùi lấp con suối cung cấp nước tưới cho cánh đồng Bến, làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân xóm Mỗ 2
Hiện nay, việc khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Phú Sơn Hà tại xã Bình Thanh đã bị tạm dừng nhưng những hậu quả nặng nề của việc khai thác quặng sắt do Công ty TNHH Phú Sơn Hà gây ra vẫn chưa hề được khắc phục.
Cuối tháng 7, nông dân xã Bình Thanh đã hoàn thành cơ bản việc cấy lúa vụ mùa năm 2012, duy chỉ còn sót lại khu vực cánh đồng Bến (xóm Mỗ 2) là vẫn còn phơi trắng bùn. Theo con đường xuyên qua bản du lịch xóm Mỗ 2, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng xóm Mỗ 2 dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng được nhân dân xót xa gọi là “cánh đồng chết”. Vục tay múc lên những nắm bùn đen ngả vàng lẫn với đá, sỏi, ông Hậu chua chát: Khu ruộng này vụ chiêm - xuân 2012 vừa qua bà con vẫn cố cấy, nhưng cây lúa chỉ lên được ngang đến đầu gối rồi không phát triển, không trỗ đòng, đậu hạt, người dân gần như mất trắng. Vì vậy, vụ này bà con đành bỏ ruộng. Toàn xóm mất đến 1 ha ruộng bỏ hoang như thế này. Tiếc của lắm nhưng không có cách nào cải tạo để cấy được vì lượng đất đá, bùn quặng vùi lấp xuống ruộng quá lớn, người dân đã phải lấy xô múc bớt đất bùn từ ruộng ra nhưng vẫn không xuể.
Đất, đá, bùn, quặng sắt lắng đọng lâu ngày làm cây lúa không thể phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng canh tác của nông dân xóm Mỗ 2.
Gặp những người dân ở xóm Mỗ 2 chúng tôi được biết, cánh đồng Bến này trước đây là một trong số những nơi lúa cấy lúa 2 vụ của xã Bình Thanh. Do bên trên cánh đồng Bến là bãi chăn thả gia súc, dọc ven cánh đồng là một con suối lớn nên cánh đồng thường xuyên được bồi đắp phù sa và phân gia súc trôi chảy xuống.
Tuy nhiên, từ năm 2007, Công ty TNHH Phú Sơn Hà được cấp phép thăm dò, khai thác quặng sắt ở xóm Mỗ 2, cánh đồng Bến bắt đầu bị ảnh hưởng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Thế Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Việc khai thác quặng sắt của Công ty TNHH Phú Sơn Hà dẫn đến thực trạng là quặng sắt khai thác được đã được vận chuyển đi, còn tại khu vực khai thác thì ngổn ngang một lượng lớn đất, đá được đào bới lên. Do vị trí thăm dò, khai thác nằm trên đồi cao, nơi đầu nguồn của các con suối nên từ nhiều năm nay đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường khu vực xóm Mỗ 2, nhất là vào mùa mưa lũ, nước chảy từ điểm khai thác quặng sắt đã kéo theo đất, đá tràn xuống khu dân cư, khu vực ruộng lúa mà người dân đang canh tác. Cụ thể như sau những trận mưa đầu mùa mưa năm 2012, tại thời điểm thống kê ngày 31/5/2012 đã có 0,93 ha lúa của 27 hộ dân xóm Mỗ 1 và Mỗ 2 bị đất đá vùi lấp, mất trắng. Ngoài ra còn chưa kể đến diện tích khoảng trên 1ha bị bùn đất lắng đọng lâu ngày làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng.
Đứng trên khu ruộng giờ chỉ còn là bãi cỏ hoang, anh Nguyễn Xuân Thoa (xóm Mỗ 2) bức xúc: Khu ruộng của gia đình tôi có 670 m2 đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Lượng đất, đá vùi lấp quá lớn, không thể khắc phục được. Cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông vào nông nghiệp, bây giờ không biết làm thế nào! Cùng với gia đình anh Thoa còn nhiều gia đình khác có diện tích lúa bị mất trắng với số lượng lớn như: hộ ông Nguyễn Thế Bè (xóm Mỗ 1) mất trắng 700 m2, hộ ông Nguyễn Văn Cồn (xóm Mỗ 2) mất trắng 1.000 m2, hộ ông Nguyễn Văn Hậu (xóm Mỗ 2) mất trắng 1.168 m2, hộ ông Nguyễn Văn Liền (xóm Mỗ 2) mất trắng 800 m2 …
Cạnh “cánh đồng chết” là con suối Bến vốn có lòng suối sâu, cung cấp nước tưới cho cả cánh đồng giờ đã bị đất, đá vùi lấp chỉ còn lại một dòng chảy nhỏ, nước ngập đến mắt cá chân. Ngoài ra, việc chảy trôi bùn đất từ trên cao xuống đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho giếng nước sinh hoạt của các hộ dân xóm Mỗ 2. Sau mỗi trận mưa, bùn đất theo mạch nước ngầm ngấm xuống làm giếng nước đục ngầu, phải vài ngày sau nước lắng đọng mới sử dụng được. Đáng lo ngại hơn khi đây lại là giếng nước sinh hoạt của các hộ dân trong bản du lịch Giang Mỗ!
Cần có sự hỗ trợ, đền bù thỏa đáng cho người nông dân
Ngược lên thượng nguồn con suối Bến, chúng tôi được mục sở thị bãi chiến trường sau 5 năm Công ty TNHH Phú Sơn Hà tiến hành khai thác và tận thu quặng sắt tại xóm Mỗ 2. Qua tìm hiểu được biết, giấy phép thăm dò và khai thác quặng sắt của Công ty TNHH Phú Sơn Hà tại xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh đã hết hạn từ tháng 2/2012.
Trước những hậu quả của việc khai thác quặng sắt gây ra, ngày 16/4/2012, UBND xã Bình Thanh đã có văn bản số 04/ĐN-UBND gửi UBND huyện Cao Phong đề nghị thôi không cấp phép thăm dò và khai thác quặng sắt tại xã Bình Thanh, trong đó nêu rõ: đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét thôi không cấp phép thăm dò và khai thác quặng sắt tại xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh để nhân dân yên tâm sinh hoạt và sản suất. Do đó, hiện nay, Công ty TNHH Phú Sơn Hà đã tạm dừng khai thác quặng sắt. Tại công trường ngổn ngang đất, đá, hố sâu chỉ còn lại một chiếc lán tạm, 1 chiếc xe tải chở quặng, 1 chiếc máy xúc và 2 công nhân ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ; máy móc, trang thiết bị của công ty đã được rút đi hết.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Công ty TNHH Phú Sơn Hà tiến hành thăm dò khai thác quặng sắt tại xóm Mỗ 2 từ năm 2007, năm 2008-2009, việc ảnh hưởng ở mức độ nhẹ nhưng từ năm 2010, do Công ty mở rộng quy mô, diện tích khai thác nên việc ảnh hưởng bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Liên tiếp trong hai năm 2010-2011, Công ty đã phải gặp trực tiếp các hộ dân để tiến hành thoả thuận, đền bù nên việc khai thác của Công ty đã diễn ra bình thường. Cho đến đầu năm 2012, khi giấy phép của Công ty đã hết hạn, Công ty chỉ còn tiến hành khai thác cầm chừng, tận thu nhưng sau mỗi trận mưa, lượng đất, đá vẫn tiếp tục chảy trôi từ khu vực khai thác xuống thấp. Qua quan sát cho thấy, trong thời gian tới, nếu việc khai thác được chấm dứt thì đất, đá vẫn sẽ còn tiếp tục chảy trôi xuống khu vực dân cư, đất canh tác xóm Mỗ 2. Vì thế, diện tích bị ảnh hưởng sẽ ngày càng mở rộng, mức độ thiệt hại ngày càng nặng nề dù đã dừng việc khai thác.
Vừa qua, đã có một số đoàn công tác của các sở, ngành tiến hành kiểm tra hiện trường, xem xét mức độ ảnh hưởng và thiệt hại. Tuy nhiên cho đến nay, người dân vẫn chưa nhận được thông tin, ý kiến phản hồi, trả lời và cũng chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ, đền bù nào cho 0,93 ha lúa vụ chiêm - xuân 2012 đã bị vùi lấp, mất trắng. Tìm đến nhà đầu tư để đòi quyền lợi đền bù thoả đáng xem ra là một việc làm vượt quá khả năng của những người nông dân chân lấm tay bùn xóm Mỗ 2.
Giấy phép đã hết hạn, việc khai thác đã tạm dừng, khoáng sản đã biến thành lợi nhuận rót vào túi tiền của nhà đầu tư và những thiệt hại nặng nề để lại thì người nông dân phải gánh chịu! Thực tế này đang khiến cho chính quyền và nhân dân xóm Mỗ 2 nói riêng, xã Bình Thanh nói chung rất bức xúc. Nhìn những khu ruộng vốn rất màu mỡ nay phải bỏ hoang, người nông dân xóm Mỗ 2 chỉ còn biết trông chờ ở sự vào cuộc tích cực, công tâm của chính quyền các cấp, sở, ngành liên quan.
(HBĐT)- Triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền kiến thức về Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em, Luật bảo vệ môi trường, thành lập mới các mô hình CLB, kết hợp với kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện…, đó là những công việc cụ thể mà Hội Phụ nữ huyện Kim Bôi đã, đang làm nhằm nâng cao hiệu quả CVĐ “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên địa bàn.
(HBĐT)- Tính đến ngày 25/7, toàn tỉnh cơ bản cấy xong diện tích lúa mùa theo kế hoạch, nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Diện tích các cây trồng cạn đang tích cực làm đất và gieo trồng theo kế hoạch. Vụ này, cơ cấu giống lúa chưa có sự thay đổi nhiều về tỷ lệ các giống lúa nhiễm dịch hại trong cơ cấu giống lúa của tỉnh. Đa số các giống đều bị nhiễm một số đối tượng dịch hại chủ yếu như rầy, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn...
(HBĐT)- Ngày 26/7, Ban chỉ đạo 127/ĐP thành phố Hòa Bình đã tổ chức đợt ra quân chiến dịch kiểm tra về kinh doanh giết mổ lợn đối với các tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm, buôn bán thịt và sản phẩm gia súc, gia cầm.
(HBĐT)- Đó là những hạn chế, chủ quan trong nhận thức của một bộ phận nhân dân về phòng tránh mưa lũ, thiên tai; công tác quy hoạch, bố trí các KDC, điểm du lịch, đường giao thông nơi đồi núi, đất dốc chưa được chú trọng đúng mức; các giải pháp phòng tránh lũ bão, giảm nhẹ thiên tai chưa đảm bảo bền vững, lâu dài; việc quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn chưa chặt chẽ. Thêm vào đó, hệ thống tổ chức chỉ đạo PCLB còn thiếu phương tiện, thiết bị điều hành dẫn đến thông tin báo cáo từ cơ sở tới huyện chưa kịp thời.
(HBĐT) - Đã sang những ngày cuối của khung thời vụ cấy lúa mùa nhưng hàng trăm hộ dân trên địa bàn 5 xóm: (Đồi Bưng 1, Đồi Bưng 2, Quê Bái 1, Chông và ổ Gà) của xã Đông Lai (Tân Lạc) vẫn không thực hiện cấy theo chỉ đạo của xã và phòng NN & PTNT. Hàng tấn mạ đành để già bởi không có nước vào ruộng cấy. Nguyên nhân do con đập thủy lợi hồ Vưng sau sự cố đang triển khai đầu tư sửa chữa, nâng cấp, không tích nước. 5 xóm sản xuất nông nghiệp hưởng lợi nguồn nước tưới từ hồ Vưng không chủ động được nguồn nước cấy lúa vụ này.
(HBĐT) - Thực hiện dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, sau 5 năm thực hiện, đến nay, tỉnh ta đã bố trí ổn định dân cư cho 1.548 hộ tại các điểm có nguy cơ cao về thiên tai, trong đó, bố trí ổn định dân cư tại chỗ 1.075 hộ, di dân xen ghép trên địa bàn xã 162 hộ, di dân tập trung 311 hộ.