Con đường mòn duy nhất đi vào xóm 80 xuống cấp gây khó khăn cho nhân dân.
(HBĐT) - Nằm trên con đường 434 cách Công ty CP xi măng Sông Đà thuộc phường Tân Hoà (TPHB) không xa, ngõ 80 là một xóm nhỏ có 20 hộ sinh sống. Những năm trước nơi đây là một khu đất trống, đồi núi trọc của phường Tân Hoà. Sau khi thành lập tỉnh, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ trồng. 30 ha đất đồi của xóm được Chi cục Kiểm lâm thị xã Hoà Bình (cũ) giao cho 3 hộ quản lý, trồng và khai thác rừng, trong đó diện tích chủ yếu là của hộ ông Đoàn Hồng, một công nhân đã về nghỉ hưu.
Khác với nhiều xóm của TPHB, xóm 80 sống chủ yếu dựa vào trồng rừng, cây ăn quả... Để vào được nơi đây, các hộ chỉ đi được đường mòn. Rừng đến kỳ khai thác nhưng xe ô tô không vào được để vận chuyển. Để có đường, ông Hồng đã vay mượn tiền của bạn bè thuê máy ủi làm đường. Qua những đoạn suối nước chảy phải làm cống thoát nước. Sau 5 tháng thi công, con đường dài gần 1km vào tận đồi keo của các gia đình hình thành. Xe ô tô có thể vận chuyển được gỗ ra khỏi rừng. Có đường, ông Hồng đã nhường lại cho các hộ ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lên khai hoang làm ăn kinh tế. Hiện nay, xóm đã có 20 hộ sinh sống. Khi xóm đông dân, các hộ tự bỏ tiền mua dây, mua cột điện để kéo điện sinh hoạt về xóm. Nhờ có điện, cuộc sống của các hộ trong xóm thay đổi. ông Hồng cho biết: Hầu hết các hộ ở đây đã xây dựng được nhà kiên cố và bán kiên cố. Nhiều hộ gia đình từ hai bàn tay trắng nhờ trồng rừng đã có cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Riêng gia đình ông Hồng làm chủ 15 ha, xây được nhà kiên cố, mua xe ô tô chở vật liệu.
Ông Trần Thanh Khương, Trưởng xóm 80 cho biết: Tuy cuộc sống của các hộ gia đình đã ổn định nhưng khó khăn nhất vẫn là con đường. Nhiều năm nay, con đường các hộ thuê máy ủi đã xuống cấp trầm trọng. Hàng năm, các hộ bỏ nhiều công sức sửa lại đường. Do không có kinh phí nên việc sửa lại đường chỉ là tạm thời. Sau một mùa mưa, con đường lại hỏng, đi lại càng khó khăn. Những hôm trời nắng, đi lại đỡ khổ, còn trời mưa, xóm cách biệt với bên ngoài. Người lớn đi còn đỡ, nhiều em đi học bị ngã là chuyện bình thường. Cách đây vài năm, cháu Nguyễn Văn Bình đi học về giữa trời mưa, khi đang xuống dốc do đường trơn ngã rơi xuống suối. Bị đau nên cháu không đứng lên đi được. Thấy cháu về muộn cả nhà sốt ruột đi tìm thấy cháu bị đau nằm dưới suối không lên được. Mùa mưa vừa rồi, chị Năm ở xóm đi xe máy từ trung tâm thành phố về giữa trưa gặp trời mưa, bị ngã, cả người và xe rơi xuống vực. May hôm đó có nhiều cây đỡ nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Ông Hồng cho biết thêm: Tháng 7 vừa qua, thấy con đường xấu quá nên các hộ bàn nhau góp hơn 30 triệu đồng để ủi đường. Đoạn đường đi qua nhà ai, các hộ tự hiến đất để mở rộng con đường 5 m. Sau một trận mưa lớn hồi tháng 9/2012, đất, đá trên đồi lở xuống làm hư hỏng nhiều đoạn. Chúng tôi mong muốn có con đường bê tông để phát triển kinh tế và đi lại cho đỡ khổ nhưng bao năm nay vẫn chưa thể thực hiện được. Việc này chỉ trông chờ vào Nhà nước giúp đỡ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hoà cho biết: Trước đây, đã có nhiều ý kiến cử tri kiến nghị với lãnh đạo thành phố về tuyến đường này nhưng do thiếu vốn và thành phố tập trung đầu tư tuyến đường ở các xóm vùng sâu, xa hơn. Năm 2012, UBND phường đã đưa tuyến đường vào kế hoạch làm đường giao thông nông thôn nhưng khi xuống bàn bạc, nguồn kinh phí mà người dân phải bỏ ra quá lớn. Ngoài hỗ trợ về xi măng của Nhà nước, các hộ ở đây phải đóng góp trên 150 triệu đồng mới hoàn thành. Trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất với UBND thành phố đưa vào danh mục đầu tư xây dựng của thành phố nhằm giúp bà con nơi đây sớm có đường bê tông đi lại.
Việt Lâm
(HBĐT) - Trong 2 tuần, từ 7 - 20/11, UBND huyện Kỳ Sơn mở 2 lớp đào tạo về công tác xây dựng nông thôn mới cho 90 cán bộ cơ sở là thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã và Ban phát triển thôn thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới của 9 xã trong huyện.
(HBĐT) - Ngày 15/11, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH&CN) phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Đà Bắc đã kiểm tra QLNN về lĩnh vực đo lượng trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Gia Mô là xã có địa hình đồi núi phức tạp, dân cư còn thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán còn lạc hậu nên việc Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, công trình cấp nước sinh hoạt được nhân dân và chính quyền đồng tình ủng hộ để thúc đẩy KT-XH của xã phát triển.
(HBĐT) - Đã bước vào mùa khô, nguy cơ cháy rừng đang tiềm ẩn. Việc cấp bách hiện nay là nhanh chóng kiện toàn BCH PCCCR các cấp, đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ, kịp thời dập tắt lửa rừng khi mới phát sinh, bảo vệ tài nguyên rừng bền vững.
(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hòa Bình liên tục nhận được đơn của cán bộ, nhân dân vùng Phú Cường, (Kỳ Sơn) phản ánh, kiến nghị do tiến độ thi công cầu Ngòi Mới trên tỉnh lộ 446 thuộc xã Hợp Thịnh quá chậm đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, lưu thông hàng hóa, sinh hoạt và sản xuất của dân cư trên địa bàn.
(HBĐT) - Từ ngày 12/11- 12/12, đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm: Phòng Quản lý đô thị TPHB phối hợp với các lực lượng chức năng (Phó Chủ tịch UBND phường, Công an phường, cán bộ địa chính, xây dựng) các phường Đồng Tiến, Phương Lâm, Thái Bình, Chăm Mát, Hữu Nghị, Tân Hòa ra quân đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị và VSMT trên địa bàn thành phố Hòa Bình.