Ông Bùi Văn Môn, Chủ tịch UBND xã Hoà Sơn (Lương Sơn) kiến nghị với đoàn công tác của Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) những điểm cần tháo gỡ trong công tác thu hồi đất GPMB.
(HBĐT) - Là một trong những xã của huyện Lương Sơn có địa bàn giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều năm qua, xã Hòa Sơn đã trở thành điểm đến khá hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đến nay, toàn xã có trên 24 dự án được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư với tổng nguồn vốn lên tới trên 2.000 tỷ đồng. 16 dự án đã được GPMB, bàn giao cho nhà đầu tư với diện tích 153,7 ha, chiếm 6,43% tổng diện tích tự nhiên của toàn xã. Còn lại 8 dự án với diện tích 80,17 ha trong tình trạng khó GPMB để bàn giao theo quy định.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác thu hồi đất, GPMB ở những dự án còn lại được ông Bùi Văn Môn, Chủ tịch UBND xã minh chứng cụ thể: Toàn xã có khoảng trên 300 lượt hộ thuộc diện thu hồi đất. Trong đó có 20 hộ thuộc diện tái định cư, hiện mới giao đất tái định cư cho 8 hộ, còn lại chưa được bố trí tái định cư. Tổng số lao động ảnh hưởng do thu hồi đất phục vụ cho các DA trên địa bàn xã khoảng 300 lao động, hiện mới thu hút được khoảng 150 lao động vào làm việc trong các DN, 50 lao động tự chuyển nghề, còn lại khoảng 100 lao động chưa tìm được việc làm. Trong khi một số dự án đã được giao đất nhưng quá trình triển khai còn chậm hoặc chưa triển khai (DA treo) vẫn còn xảy ra. Trong số 16 DA đã GPMB xong và đi vào hoạt động có một số DA không phát huy hiệu quả như: Công ty TNHH Nguyễn Hà (chế biến nông sản), DA được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2439/QĐ-UBND ngày 12/11/2008 về thu hồi và giao 1,09 ha đất tại thôn Hạnh Phúc. Tuy nhiên, đến nay, Công ty này đã cho 1 đơn vị khác thuê làm kho để SX-KD, không thu hút được lao động sở tại. Công ty TNHH Toàn Diện (chế biến nông sản), được giao 1,06 ha đất tại thôn Hạnh Phúc theo Quyết định số 2314/QĐ-UBND ngày 17/11/2009 của UBND tỉnh, nay đã chuyển giao cho Công ty khác. Công ty Hồng Anh được UBND tỉnh phê duyệt, việc thu hồi và giao 0,68 ha đất tại thôn Tân Sơn (theo đăng ký kinh doanh là chế biến nông sản thực phẩm) nhưng hiện tại đang chế biến gỗ và chăn nuôi gà. Công ty TNHH Tùng Lâm được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt thu hồi và giao 1,37 ha đất tại thôn Tân Sơn nhưng đến nay do suy thoái kinh tế đã tạm ngừng hoạt động. Công ty CP Hà Sơn được thu hồi và giao 12,9 ha đất tại thôn Suối Nảy để khai thác đá bazan theo Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 31/7/2009 của UBND tỉnh nhưng nay đã ngừng hoạt động. Công ty Fan con Hồng Hà được giao 11,73 ha đất để khai thác đá bazan nhưng đến nay vẫn không hoạt động...
Đánh giá đời sống xã hội của xã trong các giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện DA, Chủ tịch UBND xã Hoà Sơn cũng chỉ rõ: Trước năm 2005, điều kiện kinh tế của xã Hoà Sơn chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, diện mạo nông thôn chưa được đổi mới. Khi thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh vào địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực: kinh tế phát triển nhanh, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2012 giảm xuống còn 2,7%, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, do quá trình triển khai một số DA còn chậm hoặc chưa triển khai, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế, cơ cấu đầu tư thiếu hợp lý, cam kết đào tạo nghề chưa được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, chính sách đất đai chưa đáp ứng với thực tiễn như: giá cả đền bù còn thấp, chính sách hỗ trợ cho người dân diện thu hồi đất còn cứng nhắc dẫn đến phát sinh nhiều đơn - thư khiếu nại gây mất ANTT, lòng tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền cũng bị giảm sút.
Để khắc phục tình trạng này, nhân chuyến khảo sát của Ban Pháp chế -HĐND tỉnh về tình hình thực hiện các văn bản pháp luật về giao đất, thu hồi đất, GPMB, tái định cư tại Hoà Sơn, đại diện chính quyền xã đã có kiến nghị, đề xuất cụ thể: Khi thực hiện thu hồi đất phải có sự quan tâm hài hoà đến lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đồng thời, có các chính sách đặc thù cho khu vực thực hiện DA như đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Có chính sách hỗ trợ, bồi thường hợp lý đối với các vùng liền kề, giáp ranh. Khi thu hút đầu tư, cơ quan chức năng cần đánh giá kỹ lưỡng năng lực của nhà đầu tư và tác động môi trường sau khi thực hiện DA. Có quy định cụ thể trong việc thực hiện cam kết đào tạo nghề, ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương. Đối với các DA treo từ nhiều năm qua, tỉnh cần xem xét, đánh giá cụ thể về năng lực của nhà đầu tư, tính khả thi của DA để có hướng xử lý cụ thể tránh kéo dài gây lãng phí đất đai, trong khi người dân không có đất để sản xuất, tình trạng thất nghiệp gia tăng gây bất ổn về ANTT.
Từ nhiều năm nay, Hoà Sơn đã được biết đến là điểm nóng về khiếu kiện đất đai. Cấp uỷ, chính quyền cơ sở rất mong có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành liên quan để sớm tìm ra lời giải chính xác nhất cho công tác GPMB thu hút đầu tư.
Thuý Hằng
(HBĐT) – 5 tháng đầu năm, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành công an, quân đội và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét các tổ chức, cá nhân xâm hại tài nguyên rừng.
(HBĐT) - Sáng ngày 15/6, nhân dân tổ 9, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) đã đồng loạt ra quân phát dọn, thu gom rác thải, làm sạch môi trường tại khu vực bờ đê Đà Giang.
(HBĐT) - Theo tin từ cơ quan chức năng, vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 13/6, tại cơ sở sản xuất rượu Mường Đình thuộc xóm Hạ, xã Phú Lai (Yên Thủy) do ông Bùi Đức Long làm chủ đã xảy ra cháy. Nơi sản xuất rượu là nhà sàn nên ngọn lửa đã lan rất nhanh. Đến khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, ngọn lửa mới được dập tắt nhưng ngôi nhà đã bị thiêu rụi, thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng.
(HBĐT) - Mùa mưa, bão đã đến với nhiều biểu hiện bất thường như mưa giông, lốc kèm sấm sét gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, bên cạnh việc chủ động phòng, tránh, ứng phó để giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, việc đảm bảo an toàn các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các công trình hồ, đập đang thi công, sửa chữa là yêu cầu cấp bách hiện nay.
(HBĐT) - Trong 3 năm (2011- 2013), từ các nguồn vốn lồng ghép của ngân sách địa phương và các chương trình 134, 135, dự án giảm nghèo đã đầu tư, hỗ trợ tổng kinh phí 90,7 tỷ đồng xây dựng 56 công trình nước sinh hoạt; hỗ trợ xây dựng 1.571 nhà tiêu hợp vệ sinh với kinh phí 7,07 tỷ đồng.
(HBĐT) - Vào thời điểm cuối tháng 5, hàng chục hộ nuôi ong ở xã Trung Minh (thành phố Hòa Bình) lo thiệt hại về đàn với trên 230 tổ ong chuẩn bị đến kỳ quay mật bỗng dưng chết la liệt. Sự việc được Chi cục Thú y, phòng Kinh tế và Trạm thú y thành phố đến tận nơi tìm hiểu căn nguyên. triệu chứng. Kết luận của cơ quan chuyên môn xác định ong bị ngộ độc thuốc trừ sâu trong quá trình kiếm ăn trên đồng ruộng vừa mới xử lý phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc BVTV.