Trung tâm Giống cây trồng tỉnh chủ động giống keo phục vụ cho trồng rừng vụ xuân 2014.
(HBĐT) - Năm 2014, tỉnh ta phấn đấu trồng mới 7.000 ha rừng phòng hộ, rừng kinh tế. Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng ngay từ đầu năm, các địa phương đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất từ cây giống đến hiện trường…sẵn sàng cho 1 vụ trồng rừng thắng lợi.
Cùng với cán bộ Chi cục phát triển Lâm nghiệp, chúng tôi đến thăm vườn ươm cây giống của Trung tâm giống cây trồng tỉnh. Chị Vũ Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: Là một trong những đơn vị cung ứng giống cây trồng cho nhân dân, ngoài việc sản xuất, Trung tâm thường xuyên xây dựng mô hình khảo nghiệm giống cây trồng mới và chuyển giao tiến bộ KHKT cho nhân dân. Về giống cây lâm nghiệp, mỗi năm, Trung tâm sản xuất được từ 600- 800.000 cây cung ứng thẳng cho bà con khu vực Thành phố Hoà Bình, các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi. Cây chủ lực vẫn là keo, hiện tại, Trung tâm đang tập trung khảo nghiệm những giống cây trồng lâu năm như dổi, sấu, trám, một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Để phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2014, Trung tâm chủ động gieo ươm trên 60 vạn giống cây lâm nghiệp các loại. Riêng vụ xuân 2014, Trung tâm đã chuẩn bị từ 2-3.000 cây bóng mát gồm bằng lăng, hoa sữa, sấu, trám và từ 3-5 vạn cây keo tai tượng đã đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Hiện tại, Trung tâm đã sẵn sàng các loại giống phục vụ nhu cầu của nhân dân; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cho nhân dân đảm bảo trồng cây có hiệu quả.
Kinh tế lâm nghiệp đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2013, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 638 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn hộ dân. Trồng rừng không chỉ có tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy mà còn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhiều năm nay, việc trồng và phát triển nghề rừng là một việc làm thường xuyên của các địa phương và người dân nông thôn.
Năm 2013, toàn tỉnh trồng mới 8.860 ha rừng, vượt kế hoạch 26,6% khoanh nuôi, bảo vệ tốt gần 100.000 ha rừng hiện có; chăm sóc rừng trồng 23.150 lượt ha; xây dựng được 86 km đường ranh cản lửa, 11 km đường lâm nghiệp… Chất lượng rừng trồng, rừng khoanh nuôi bảo vệ nhìn chung phát triển tốt, độ che phủ rừng đạt 49,3%. Đồng chí Đới Văn Chinh- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp tỉnh cho biết: Kế hoạch trồng 7.000 ha rừng trong năm không phải là lớn, nhất là trồng rừng và phát triển vốn rừng đã trở thành nghề không thể thiếu trong đại bộ phận người dân nông thôn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, giá vật tư phân bón tăng cao cần phải có sự chỉ đạo sát sao và sự nỗ lực cao của toàn xã hội.
Với trách nhiệm của mình, ngay từ những ngày cuối năm 2013, Chi cục đã xây dựng kế hoạch tới từng địa phương, đồng thời phối hợp rà soát quỹ đất, tiến hành tổ chức vận động các chủ vườn ươm, ban quản lý rừng gieo ươm cây giống. Đến nay, các vườn ươm trên địa bàn đã chủ động chuẩn bị 638.000 cây giống các loại đủ tiêu chuẩn xuất vườn phục vụ cho trồng rừng vụ xuân. Các địa phương cũng đã chuẩn bị đất, phân bón và sẽ trồng trên 8.000 ha rừng vụ xuân, chủ yếu là rừng kinh tế. Ngoài chuẩn bị giống, đất, các địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang cũng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây và tổ chức Tết trồng cây đầu xuân Giáp Ngọ. Năm nay, tỉnh sẽ đồng loạt ra quân trồng rừng vụ xuân vào ngày 6 tháng 2 năm 2014 (tức ngày mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Ngọ). Bên cạnh đầu tư trồng rừng, trong chỉ đạo cũng như nhận thức của người dân là đưa các giống mới, giống tiến bộ vào trồng, nhất là các loại cây lấy gỗ lớn. Quy trình trồng, chăm sóc cũng rất bài bản, đúng kỹ thuật, trồng cây nào chắc cây đó, tỷ lệ cây sống luôn đạt trên 85%, keo vẫn là cây trồng chủ lực, các huyện vùng cao trồng mỡ và các loại cây bản địa.
Từ sự chuẩn bị chu đáo cùng với nỗ lực của nông dân, chắc chắn kế hoạch trồng rừng vụ xuân cũng như kế hoạch trồng rừng năm 2014 sẽ sớm hoàn thành.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Xã Liên Sơn là một trong 5 xã điểm của huyện Lương Sơn triển khai thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng NTM. Trong 2 năm 2011-2012, từ nguồn vốn hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, xã Liên Sơn thực hiện các mô hình trồng các loại rau màu vụ đông như dưa chuột, khoai tây, lặc lày đã tạo thêm việc làm và thu nhập cao cho người dân.
(HBĐT) - Ngày 17/1, BQL dự án phát triển lâm nghiệp (Kfw7) Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014.
(HBĐT) - Ngày 17/1, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị công bố 4 quy hoạch quan trọng của ngành NN&PTNT, gồm: Quy hoạch phòng, chống lũ cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch phát triển sản xuất cam an toàn tập trung tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển thuỷ sản tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
(HBĐT) - Qua đánh giá, hết năm 2013, xã Dân Chủ (TPHB) đạt 14 tiêu chí. Đây là kết quả được kết tinh từ sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của mỗi người dân trong thực hiện chủ trương xây dựng NTM.
(HBĐT) - Ngày 16/1, Sở TN&MT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự hội nghị.
(HBĐT) - Hiện nay, một số vùng trồng chuối của tỉnh đã xuất hiện bệnh héo rũ panama (còn gọi là bệnh héo vàng panama) gây hại, có nơi bệnh hại nặng phải tiêu huỷ cả vườn chuối. Đây là đối tượng nguy hiểm có nguy cơ lây lan cao, gây chết từng bụi chuối hoặc toàn bộ vườn chuối nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Trước diễn biến trên, Chi cục BVTV đã có Công văn số 06 ngày 8/1/2014 về việc phòng - chống bệnh héo rũ panama hại chuối.