Bậc lên xuống trong khu vực nghĩa trang Trung Mường I, Trung Mường II, xã Yên Quang (Kỳ Sơn) có độ dốc rất lớn, một trong những nguyên nhân người dân chưa di chuyển mồ mả và chôn cất người mới qua đời vào nghĩa trang.
(HBĐT) - Vừa qua, tại thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn), Bộ GT-VT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh cùng liên danh Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần ĐT&TM Hà Nội (Hanco) và Công ty cổ phần XL&TM Trường Lộc tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng mới tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình. Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình có ý nghĩa quan trọng nhằm đáp ứng phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN khu vực Tây Bắc nói chung cũng như thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Tuy nhiên, để có mặt bằng sạch nhằm tạo điều kiện cho dự án triển khai đúng tiến độ thì công tác đền bù GPMB vẫn có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Đặc biệt là những bất cập trong xây dựng nghĩa trang các xóm Trung Mường 1 - Trung Mường 2 và Mùn 5 - Mùn 6, xã Yên Quang (Kỳ Sơn), xã có tới trên 500 ngôi mộ phải di chuyển để bàn giao mặt bằng cho dự án. Dự án nghĩa trang Trung Mường 1 - Trung Mường 2 được UBND phê duyệt theo Quyết định số 1641, ngày 13/9/2011, mức đầu tư trên 6,77 tỉ đồng. Dự án khởi công ngày 10/10/2011, trên diện tích hơn 2,8 ha, quy mô xây dựng gồm: san nền, đường giao thông nội bộ, kè ốp mái ta luy chống sạt lở, bậc lên xuống, rãnh gom thoát nước, nhà đón tang, cổng, tường rào. Mặc dù các hạng mục chính của dự án đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng được do dân cư trên địa bàn phản ứng khá quyết liệt với những bất hợp lý về thiết kế kỹ thuật của công trình.
Ông Nguyễn Đức Chính, Trưởng xóm Trung Mường I, bức xúc: Công trình xây dựng không đúng như thiết kế ban đầu mà chủ đầu tư thông báo với nhân dân trước khi triển khai xây dựng. Hiện trạng khi hoàn thành, bậc lên nghĩa trang có độ dốc rất cao, bước bậc cao hơn 30 cm, có chỗ gần 40 cm, nên đi lại bình thường đã rất khó khăn, nếu có người qua đời hoặc chuyển vật liệu để xây dựng, cải táng không thể đi bằng đường này được. Chỉ cho chúng tôi hệ thống bậc lên xuống ở nghĩa trang, ông Chính phàn nàn: Các anh xem, bậc lên xuống như thế này nếu có người qua đời khiêng dọc quan tài không thể đi nổi, còn theo phong tục tập quán thì không ai khiêng ngang quan tài cả. Cũng vì thế chẳng đường nào có thể vận chuyển vật liệu lên nếu có nhu cầu khi xây dựng, sửa sang mồ mả.
Thực tế cho thấy, do thiết kế kỹ thuật có nhiều bất cập dẫn đến các cơ (mặt bằng) để chôn cất có chiều rộng từ 3,5 m gồm cả rãnh thoát nước dưới chân ta luy là quá hẹp khi sử dụng để chôn mộ hung táng hoặc an táng một lần. Hơn nữa, khu vực nghĩa trang có độ dốc lớn, mái ta luy đất lại thường xuyên bị sạt lở nên diện tích sử dụng này càng bị thu hẹp nếu không được gia cố. Ông Nguyễn Đức Chính cho biết thêm: Nghĩa trang mới được xây dựng nhằm để di dời mồ mả và chôn cất khi có người qua đời nhằm phục vụ cho xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình bao gồm cả hành lang an toàn giao thông. Từ bao đời nay, chúng tôi đào huyệt có chiều dài tối thiểu 2,7 m. Với mặt bằng được san ủi như hiện nay, các gia đình đều không yên tâm khi đưa người thân qua đời vào chôn cất ở đây do mặt bằng quá hẹp. Chôn cất theo phong tục “đầu tựa vào núi” thì không thể vì sợ sụt lún, sạt lở và tất nhiên không ai lại đặt mộ ngang đồi cả.
Bên cạnh đó, mặc dù công trình chưa bàn giao đưa vào sử dụng nhưng toàn bộ hệ thống rãnh thoát nước ngang đã bị đất, đá vùi lấp không phát huy được tác dụng. Chất lượng công trình cũng là vấn đề đáng lưu tâm vì nhiều chỗ xây rãnh thoát nước, kè mái ta luy có thể dùng tay bóc dỡ dễ dàng. Việc cắt tầng để tạo mặt bằng là giải pháp phù hợp nhưng mái ta luy dựng đứng chỉ được kè kiên cố theo điểm bằng đá hộc thì việc sạt trượt đất đá là vấn đề hiện hữu và sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi vào mùa mưa bão.
Những bất cập trong xây dựng nghĩa trang mới không chỉ là nguyên nhân dẫn đến việc hàng trăm hộ dân chưa nhận tiền đền bù và chưa di dời mồ mả mà còn là nguyên nhân khiến cấp ủy, chính quyền từ xã đến xóm thực sự vất vả mỗi khi trên địa bàn có người qua đời. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng xóm Trung Mường II trăn trở: Đất đai trên địa bàn đều đã có chủ, nghĩa trang mới thì người dân chưa chấp thuận nên mỗi khi có người qua đời cán bộ, xóm xã lại phải đứng ra tuyên truyền, động viên để người dân an táng vào những vị trí không ảnh hưởng đến quy hoạch đường cao tốc. Đất để chôn cất người mới qua đời ngoài quy hoạch của dự án nghĩa trang mới ngày càng thu hẹp. Mỗi khi có người qua đời, cán bộ xóm, xã lại phải bàn bạc, thương thảo với chủ đất tìm chỗ chôn cất để không ảnh hưởng đến công tác GPMB, vừa tạo được sự đồng thuận của người dân, nên khó khăn càng thêm khó khăn.
Những bất cập ở nghĩa trang Trung Mường I, Trung Mường II cũng là thực trạng của nghĩa trang 2, xóm Mùn 5, Mùn 6. Từ thực tế đó, người dân cùng cấp ủy, chính quyền 4 xóm và xã Yên Quang đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với các cấp, ngành bằng văn bản và thông qua tiếp xúc cử tri. Cuối tháng 4 vừa qua, sau khi thị sát thực tế dự án nghĩa trang tại xã Yên Quang, lãnh đạo UBND tỉnh đã đồng ý cho phép điều chỉnh mở rộng phạm vi chôn cất. Như vậy, dự án trị giá hơn 6,7 tỷ đồng đã không phát huy hiệu quả, gây tốn kém, lãng phí tiền của và bức xúc trong nhân dân. Một số hạng mục của dự án sẽ phải điều chỉnh và Nhà nước lại tiếp tục cấp kinh phí. Dư luận mong muốn, những bất cập, vướng mắc của các dự án xây dựng nghĩa trang ở Yên Quang sẽ là bài học kinh nghiệm cho các cấp cho thẩm quyền trong thẩm định, giám sát và quá trình thi công để các công trình XDCB trên địa bàn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Đức Phượng
(HBĐT) - Sáng 25/5, tại trường THCS Tú Sơn (huyện Kim Bôi), Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh phối hợp với trường THCS Tú Sơn và trường THCS Thăng Long (TP Hà Nội) tổ chức chương trình giao lưu tuyên truyền về nước sạch và VSMTNT.
(HBĐT) - Trận mưa lớn xảy ra vào tối qua 25/5 và sáng nay trên địa bàn huyện Đà Bắc đã gây sạt lở đất ở một số đoạn trên dọc tuyến tỉnh lộ 433. Đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất trên tuyến tại Km 38 + 400 thuộc địa phận xóm Cò Phày, xã Tân Minh khiến giao thông bị ách tắc nhiều giờ. Khối lượng đất, đá theo mưa lớn từ đồi tràn xuống nền đường ước tới vài trăm mét khối.
(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến sông chính có đê gồm sông Đà, sông Bôi và sông Thanh Hà. Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống lũ cho các tuyến sông quan trọng này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 66/2013/NQ-HĐND về việc phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
(HBĐT) - Chúng tôi đến thôn Cả, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) vào những ngày giữa tháng 5, cổng làng văn hóa được xây dựng khang trang, trên những tuyến đường bê tông được quét dọn phong quang, sạch sẽ, thấp thoáng những biển báo đường thanh niên, phụ nữ, CCB tự quản. Đến nhà văn hóa thôn, đồng chí trưởng thôn Bùi Văn Đùng phấn khởi cho biết: Đầu năm, triển khai Nghị quyết của Đảng ủy và chương trình hành động của UBND xã về đẩy mạnh phong trào chung tay xây dựng NTM, chi bộ, ban mặt trận thôn đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực triển khai các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm cùng cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi tiêu chí môi trường trong năm nay để kịp cán đích vào năm 2015.
(HBĐT) - Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, liên tiếp trong các ngày từ 20 – 23/5, nền nhiệt độ bình quân đo được tại các địa phương trong tỉnh xấp xỉ 41oC. Trong thực tế, nhiệt độ ngoài trời đo được tại thành phố Hòa Bình, Lạc Thủy có thời điểm trong ngày lên đến 42oC– 43oC.
(HBĐT) - Ngày 22/5, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Kỳ Sơn đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng - chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2013 và triển khai công tác năm 2014.